TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện do nghi ngờ ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân B.V.Th (69 tuổi, tại Tam Dương, Vĩnh Phúc), nhập viện vì bị ngộ độc methanol, cùng dấu hiệu loạn thần và ảo giác. Người nhà bệnh nhân cho biết mỗi ngày bệnh nhân uống một nửa lít rượu.
Trước một ngày nhập viện, bệnh nhân có nhờ cháu đi mua 1 lít rượu tại một quán gần nhà. Sau khi uống say, bệnh nhân đi ngủ. Ngày hôm sau tỉnh dậy, bệnh nhân bị mất thị lực. Ông được đưa tới viện cấp cứu do nghi ngờ ngộ độc methanol. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao. Bệnh nhân Th hiện đang có những cơn vật vã, kích thích ảo giác do nghiện rượu.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Đ.V.K (59 tuổi, Thanh Hoá) vào viện trong tình trạng mắt tối sầm không nhìn thấy gì. Trước đó, bệnh nhân đã đi khám tại bệnh viện mắt do mất ánh sáng. Các bác sĩ tại đây nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) nên đã giới thiệu sang Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân được làm các xét nghiệm và được chẩn đoán ngộ độc methanol, xơ gan và có kèm theo đái tháo đường.
Ông K cho biết mỗi ngày ông uống 3 ly rượu (mỗi ly khoảng 100-120ml) trong nhiều năm liên tiếp. Vào ngày 12/12, ông K có uống rượu mua tại một quán gần nhà. Tới ngày hôm sau, ông K không uống rượu nhưng thấy người mệt nhiều nên nằm ở nhà nghỉ ngơi.
Ngày 14/12 (sau 2 ngày uống rượu), ông K thấy mắt mờ, mệt, đi ngoài và nôn. Vào buổi trưa khi vợ mang đồ ăn lên, ông K ngồi dậy và thấy mắt tối sầm lại. Ngay sau đó, ông K được gia đình đưa đi khám mắt rồi được giới thiệu tới Bệnh viện Bạch Mai.
“Trường hợp bệnh nhân K đã bị tổn thương mắt rất có thể bị mù do ngộ độc methanol. Ngoài ra, do bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài đã dẫn tới xơ gan và mất chức năng tủy”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Nam bệnh nhân bị tổn thương mắt do dùng rượu mỗi ngày
Một trường hợp khác do uống rượu tại nhà cũng phải nhập viện đó là bệnh nhân N.V.T (sinh năm 1964 tại Thổ Tang, Vĩnh Phúc). Bệnh nhân uống rượu một mình tại nhà, rượu được mua của người hàng xóm chuyên nấu rượu. Sau khi uống khoảng 300ml rượu, ngày hôm sau ông T thấy đau đầu, mắt mờ, buồn nôn. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân có nồng độ methanol cao, nhiễm toan chuyển hoá nặng.
Bác sĩ Nguyên cho biết cả 3 trường hợp bệnh nhân đã uống phải cồn công nghiệp methanol được pha và gây ra ngộ độc. Đối với 3 trường hợp bệnh nhân này, tiên lượng phục hồi xấu do quá trình tổn thương nhiều ngày mới tới bệnh viện.
Nguy hại từ cồn công nghiệp
Bác sĩ Nguyên phân tích, quy trình chuyển hóa gây độc của methanol thường diễn ra chậm và sẽ càng đặc biệt chậm khi trong máu có cả thành phần rượu ethanol (rượu tự nấu) do ethanol cạnh tranh chuyển hóa với cồn nghiệp methanol. cồn công nghiệp methanol được đào thải rất chậm, kết hợp với chuyển hóa bị chậm nên chất độc tồn tại trong cơ thể tới hàng tuần sau và nguy cơ gây tổn thương mắt và não ở nhiều ngày sau nếu không được điều trị.
"Khi Methanol đi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành axit formic. Đây là chất gây tổn thương não, mù mắt và một loạt hậu quả khác", BS Nguyên nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyên, rất khó có thể phân biệt được rượu có chứa methanol và rượu thông thường. Chỉ có 1 điểm là rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường.
Gần tết nhiều trường hợp ngộ độc methanol phải nhập viện
Uống rượu có chứa methanol cũng gây say giống như rượu thông thường. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải rượu có methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn. Đây cũng là lý do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc.
Sau khi methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: mờ mắt, lơ mơ, lú lẫn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê. "Khi có những biểu hiện này thì đã muộn", bác sĩ Nguyên nói.
Mộc Trà