Theo thông tin trên Business Insider, về lý thuyết, việc nhận được vũ khí tầm xa sẽ giúp Ukraine làm gián đoạn các hoạt động của quân đội Nga, bằng cách buộc phía Moscow phải phân tán lực lượng, bảo vệ binh sĩ cũng như các căn cứ. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Nga sẵn sàng chấp nhận tổn thấy thay vì thay đổi kế hoạch?
Hôm 17/10, Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất tấn công vào các sân bay tại miền Đông Ukraine, phá hủy 14 máy bay trực thăng của Nga, trong đó có cả trực thăng tấn công Ka-52 hiện đại.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Nga vẫn đặt các máy bay trực thăng của mình trong tầm bắn 190 dặm (gần 306km) của tên lửa ATACMS, bất chấp việc biết Ukraine đã nhận được vũ khí này.
Hình ảnh phóng tên lửa ATACMS do quân đội Ukraine công bố. Ảnh: Business Insider
“Đây là lần chuyển giao vũ khí bị rò rỉ thông tin và có dấu hiệu nhiều nhất mà tôi thấy trong một khoảng thời gian. Tôi nghĩ rằng ngay cả khi chúng tôi thông báo cho phía Nga biết ngày, giờ và địa điểm chính xác của cuộc tấn công đầu tiên, họ cũng vẫn không di chuyển những chiếc trực thăng đó đi đến nơi khác", ông Michael Kofman - một thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment (tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế) chia sẻ.
Theo ông Michael Kofman, cách làm của Nga trước tiên là sẵn sàng chấp nhận tổn thất rồi bắt đầu thích nghi, thay vì triển khai các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa.
Ông cũng tiết lộ, các sân bay của Nga đã bị tên lửa ATACMS phiên bản đạn chùm của Ukraine tấn công. Loại vũ khí này chỉ có tầm bắn khoảng 160km nhưng được thiết kế để "tiêu diệt nhân lực, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương".
Máy bay phản lực của Nga chỉ đóng vai trò thứ yếu trong cuộc xung đột và bị lực lượng phòng không Ukraine chặn lại. Điều này đã đặt nhiệm vụ yểm trợ trên không cho lực lượng mặt đất lên những chiếc trực thăng tấn công.
Ukraine đã triển khai nhiều lữ đoàn được trang bị xe bọc thép do phương Tây cung cấp để tiến hành chiến dịch phản công vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, họ đã phải chịu tổn thất khi trực thăng Nga bắn hạ từng phương tiện mắc kẹt trong bãi mìn hoặc nằm ngoài tầm bảo vệ của các hệ thống phòng không Ukraine.
Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga. Ảnh: Business Insider
Ông Michael Kofman và các nhà quan sát khác nhận thấy, những căn cứ đặt trực thăng là "một trong những mục tiêu rõ ràng nhất" cho các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS của Ukraine.
Các căn cứ đặt tại Berdyansk và Lugansk đều “rất nổi tiếng và được xây dựng kiên cố, với các bức tường ngăn và trực thăng nằm rải rác trên mặt đất. “Đó là nơi xuất kích của những chiếc trực thăng Ka-52 và Mi-28, những phương tiện gây ra vấn đề lớn cho lực lượng Ukraine”, ông Michael Kofman cho hay.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên lực lượng Nga ở Ukraine bị tấn công bởi vũ khí do phương Tây cung cấp. Tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất và tên lửa chống tăng NLAW do Anh-Thụy Điển thiết kế đã nhắm vào các đoàn xe bọc thép của Nga đang tiến về phía Kievtrong những ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022.
Mùa hè năm 2022, Kiev nhận được tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất và vũ khí này đã phá hủy các kho đạn và sở chỉ huy của Nga. Trong khi đó, rên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất được cung cấp vào đầu năm 2023 phá hủy những cây cầu quan trọng nối với Crimea và các khí tài có giá trị khác trên bán đảo này.
Thế nhưng, bất chấp những lời ca ngợi và hiệu quả ban đầu, những vũ khí này nhanh chóng “mất đi ánh hào quang”. Moscow đã tìm ra phương pháp gây nhiễu các loại vũ khí dẫn đường bằng GPS nhưng HIMARS và chuyển các kho tiếp tế ra xa mặt trận hơn, nằm ngoài tầm bắn của tên lửa dù việc đó ảnh hưởng tới hiệu quả công tác hậu cần.
XEM THÊM: Nhà Trắng chỉ trích tỷ phú Elon Musk truyền bá thông tin sai sự thật
Bussiness Insider đưa tin, vấn đề thực sự không phải là công nghệ quân sự - thứ rất khó tránh khỏi việc bị đối phương vô hiệu hóa hoặc sao chép, mà là khả năng thích ứng, hoặc khả năng phản ứng với thông tin tình báo về sự xuất hiện của một loại vũ khí mới, hoặc ở việc thay đổi chiến thuật một khi vũ khí đó được đưa vào tác chiến.
Trực thăng Mi-24 và Mi-8 của Nga tại căn cứ ở Crimea vào tháng 4/2021. Ảnh: Business Insider
Về cuộc tấn công vào các căn cứ trực thăng của Nga hồi tháng 10/2023, mặc dù có nhiều cảnh báo về tên lửa ATACMS và những lần tấn công trước đó từ phía Ukraine với các loại vũ khí do phương Tây sản xuất, Nga đã không bảo vệ các trực thăng tấn công quan trọng, mà lẽ ra họ có thể di chuyển đến các căn cứ xa tiền tuyến hơn thay vì để chúng đậu lộ thiên tại các sân bay dễ bị nhắm mục tiêu.
Rút ra bài học từ những sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống và đối với Nga, đó dường như là một cách tác chiến, theo thông tin trên Business Insider.
Đinh Kim (Theo Business Insider)