(ĐSPL) -Theo báo chí Pháp số ra ngày 25/2, thái độ dè chừng của Châu Âu đối với Ukraine một phần là do phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.
Trong bài “Ukraine: Nga cảnh cáo Châu Âu” đăng trên trang nhất, báo Pháp Le Figaro viết không những Nga không công nhận chính quyền mới ở Kiev, mà còn chỉ trích sự ủng hộ của Châu Âu là “những tính toán địa chính trị đơn phương”, “sai lệch”.
Sự cảnh cáo của Nga trùng khớp với chuyến thăm tại Kiev của người đứng đầu ngành ngoại giao Liên minh Châu Âu Catherine Ashton.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chỉ trích thái độ "sai lệch" của EU liên quan đến tình hình Ukraine |
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, “Nga quay lại thế tấn công, nhưng các biện pháp gây áp lực thì hạn chế”. Ván cờ địa chính trị giờ đây là nằm ở Kiev. Sau khi chỉ trích mạnh mẽ phe đối lập Ukraine và Liên minh Châu Âu, Moscow đã triệu hồi đại sứ Nga tại Kiev về nước. Nga tỏ ra quan ngại về những khu vực thân Nga ở phía đông Ukraine và bán đảo Crimea.
Trước mắt, tạm thời Nga đóng băng gói trợ giúp thứ hai. Thế nhưng, đó cũng có thể là dấu hiệu của chủ nghĩa thực dụng Nga. Les Echos nhận xét đằng sau những lời tuyên bố dữ dội đó, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga có nói “gói cứu trợ đó sẵn sàng được tháo khoan, ngay khi chúng tôi biết được rằng ai sẽ là người đối thoại”.
EU dè chừng
Theo Le Figaro, thái độ của Nga buộc bà Catherine Ashton phải cẩn trọng trong ngôn từ và hành động. Một mặt, Châu Âu chỉ chấp nhận tháo khoán gói trợ giúp 2-3 tỷ euro với sự đồng thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế, sau khi có kết quả bầu cử vào ngày 25/5. Với điều khoảng trói buộc là phải tiến hành các chính sách cải cách. Về phần mình, Nga tuyên bố ngừng chuyển khoản thứ hai trong tổng số tiền viện trợ hứa hẹn là 15 tỷ USD.
Trong tình hình đó, Bruxelles buộc phải trì hoãn khả năng ký kết thỏa thuận “thương mại và đầu tư” song phương đến sau ngày bầu cử. Thậm chí, Ủy ban Châu Âu cũng không sử dụng đến thuật ngữ “thỏa thuận liên kết” được đưa ra trước khi xảy ra biến cố ở Ukraine.
Thách thức lớn nhất hiện nay của Ukraine hiện nay là làm thế nào tránh cho đất nước rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán”. Theo ước tính của chính phủ tạm thời, đất nước hiện cần đến 25 tỷ euro cho hai năm tài khóa 2014 và 2015.
Theo nhận định của báo La Croix, kinh tế Ukraine còn nhiều nhược điểm như xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào nguyên nhiên liệu và nông nghiệp, đồng tiền bị giảm giá, tăng trưởng bằng số không. Trong bối cảnh đó, Ukraine không còn lựa chọn nào khác là dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Dù tuyên bố đi đầu trợ giúp Ukraine, nhưng theo nhận định của Les Echos, Liên minh Châu Âu có vẻ khá dè dặt. Bruxelles tỏ ra không mấy vội vã và tìm cách trì hoãn các khoản trợ giúp cho đến sau ngày bầu cử 25/5 tới.
Văn Linh