Phước “tám ngón”, một sát thủ khét tiếng gây ra hàng loạt vụ cướp của, giết người, sau khi bị bắt và kết án tử hình, hắn đã cưa đứt chiếc cùm sắt phi 10 chỉ với chiếc dao lam. Sau đó, hắn thực hiện cuộc đào thoát ngoạn mục khỏi trại giam Chí Hòa, nhà tù được coi là “bất khả đào tẩu” của Việt Nam…
Khi nhắc đến những đại ca giang hồ khét tiếng, không thể không nhắc đến Phước "tám ngón". Hắn là tên tội phạm đầu tiên và duy nhất cho đến nay đào thoát được khỏi trại giam Chí Hòa (TP HCM). Hắn cũng là tên tội phạm duy nhất 2 lần bị tòa tuyên án tử hình trong 2 phiên tòa diễn ra cách nhau gần 2 năm.
Phước "tám ngón" tên thật là Nguyễn Hữu Thành, SN 1971 quê Dĩ An, Thuận An, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương).
Năm 16 tuổi, trong một lần đàn đúm bạn bè, bị mẹ la mắng, Phước đã xách dao, kê bàn tay trái của mình xuống sàn, chặt phăng luôn ngón trỏ và ngón cái. Đó là câu chuyện ly kỳ giải thích cho biệt danh của gã giang hồ này.
Phước "tám ngón" và dãy buồng giam - Ảnh: An ninh Thế giới |
Chưa thành niên, Phước bỏ nhà đi bụi, sống bằng cờ bạc, trộm cắp, cướp bóc. 17 tuổi, Phước nhận án 3 năm tù tội trộm cắp, sau đó tiếp tục bị đưa đi cưỡng bức lao động.
Không chịu cải tạo, Phước bỏ trốn rồi mua súng lập băng cướp. Đầu năm 1991, tại khu vực Thủy điện Trị An, Đồng Nai, băng Phước “Tám Ngón” hoành hành. Chúng bắn trọng thương người đi đường để cướp xe máy. Chỉ trong vòng nửa tháng, nhóm này gây ra 2 vụ cướp, một vụ trộm và bắn chết một nạn nhân tại Thủ Đức. Ngày 24/6/1994, TAND TP.Hồ Chí Minh đã tuyên án tử hình Phước “tám ngón” về các tội "giết người" và "cướp tài sản" và bị giam ở Chí Hoà.
Cuộc vượt ngục ngoạn mục
Sau hàng trăm ngày dùng dao lam xin được cưa đứt cùm sắt phi 10, Phước lấy vải quấn xung quanh vết cưa, đốt nhựa phủ kín lên trên. Đến đêm 26/3/1995, hắn tháo cùm chui vào nhà vệ sinh, dùng khoen sắt tròn khoét vách tường chỗ bị mục. Xi măng và cát vụn Phước trút vào lỗ cầu vệ sinh, đổ nước cho trôi đi. Hắn bê gạch để vào chỗ ngủ, sắp xếp thành hình người đang nằm rồi lấy chăn phủ kín.
Phước luồn qua lỗ hổng chui ra phía cầu thang lầu bên ngoài buồng giam số 15. Khi leo xuống cầu thang tường thì nghe tiếng bước chân tuần tra đêm của cán bộ quản giáo, gã tử tù hoảng hốt leo ngược trở lên rồi cứ thế đi trên nóc nhà để sang khu AH.
Tại đây, Phước dùng quần áo và khăn nối lại thành sợi dây, cột một đầu vào kèo nhà. Đang đu xuống thì dây đứt, hắn té ngất lịm. Hơn một tiếng sau Phước mới tỉnh, nén đau lết đến cây cột điện ở gần đó. Cả chân lẫn cột sống đều bị chấn thương nhưng anh ta vẫn trèo lên được cột điện khá cao để leo qua hàng rào tụt xuống đất. Đây là địa phận khu tập thể của cán bộ quản giáo.
Tờ mờ sáng, Phước vào trong sân, thấy bộ đồ cảnh sát đang phơi hắn mặc vào người, lấy thêm chiếc xe đạp và đôi dép đường hoàng dắt xe ra cổng trại giam Chí Hòa.
Qua chốt gác cổng trại, Phước vào xin cảnh sát trực được ra ngoài uống cà phê. Tưởng là anh em cán bộ trong trại, người trực đã mở cổng cho Phước ra ngoài.
Sau khi thoát khỏi trại, Phước "tám ngón" tiếp tục mua súng cướp tài sản, hắn gây ra cái chết cho một nạn nhân nữa.
Đêm ngày 1/10/1995, vì hết tiền tiêu y mò vào một gia đình ở Buôn Ma Thuột để trộm đồ nhưng bị gia chủ phát hiện và bị bắt giữ.
Ngày 29/4/1996, 13 bị cáo trong băng cướp của Phước “tám ngón” bị đưa ra xét xử tại TAND TP.Hồ Chí Minh. Với hàng loạt tội ác đã gây ra, Nguyễn Hữu Thành, tức Phước “tám ngón” tiếp tục lĩnh án tử hình lần thứ 2.
Gần 2 năm sau ngày bị tuyên án tử hình lần thứ 2, Nguyễn Hữu Thành tức Phước “tám ngón” đã bị thi hành án tử hình ở pháp trường Long Bình, kết thúc cuộc đời của một tên tướng cướp khét tiếng.
Trại giam Chí Hòa (tên thường gọi là khám Chí Hòa) được Pháp xây từ năm 1943 theo thiết kế là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch, với 3 tầng lầu. Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có 4 buồng giam. Ở giữa bát quái Chí Hòa là một vọng gác cao hơn 20m, trên đó có bể chứa nước và có chòi canh. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam. Có thể nói với cách kiến trúc của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào thì khó có thể vượt ngục. Vì thế, vụ vượt ngục do tử tù Phước "tám Ngón" thực hiện được coi là vụ vượt ngục thành công duy nhất trong lịch sử trại giam Chí Hòa thời hiện đại. |
Trâm Anh (T/h)