Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ vụ xả súng Las Vegas: Quan điểm gây tranh cãi của Tổng thống Trump về kiểm soát súng

(DS&PL) -

Vụ xả súng đẫm máu tại Las Vegas lại một lần nữa gây xôn xao về vấn đề sử dụng súng quá dễ dàng ở Mỹ.

Vụ xả súng đẫm máu tại Las Vegas lại một lần nữa gây xôn xao về vấn đề sử dụng súng quá dễ dàng ở Mỹ.

Cũng giống như nhiều quan điểm chính trị khác, suy nghĩ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề kiểm soát súng được đánh giá là không đồng nhất theo thời gian.

Cuối những năm 90, đầu những năm 2000, ông Trump từng lên tiếng ủng hộ một lệnh cấm đối với cái gọi là vũ khí tấn công, bao gồm súng trường quân sự có khả năng xả đạn liên tục.

Có những tranh cãi cho rằng, vấn đề của các vụ thảm sát không nằm ở súng, mà là ở hành vi của con người.

"Tôi thường phản đối kiểm soát súng, nhưng tôi ủng hộ một lệnh cấm vũ khí tấn công và ủng hộ việc mua một khẩu súng cần được xét duyệt kỹ càng", ông viết trong cuốn sách The America We Deserve.

Năm 2012, ông Trump ca ngợi lời kêu gọi của đảng Dân chủ về đổi mới các quy định kiểm soát súng sau vụ xả súng kinh hoàng tại một trường học ở Connecticut, cướp đi 26 sinh mạng, trong đó có 20 trẻ em.

Tuy nhiên, khi trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, quan điểm của ông về kiểm soát súng lại thay đổi.

Vào thời điểm khởi động cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2015, ông cũng đi theo tư tưởng chủ đạo của đảng Cộng hòa và coi việc thắt chặt các quy định về súng là vi phạm Tu chính án thứ 2 trong Hiến pháp Mỹ.

Theo đó, Tu chính án thứ 2 bảo vệ quyền mang vũ khí của dân thường và binh lính. Mọi quyết định tước quyền sử dụng vũ khí của người dân đều được coi là vi hiến.

Trong quan điểm của mình, Tổng thống Trump nói rằng, việc Chính phủ bắt buộc thiết lập những khu vực “không mang súng” ở những nơi như trường học, nhà thờ và các căn cứ quân sự là một "thảm họa", vì nó “dễ trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công bệnh hoạn”.

Ông Trump cũng thường xuyên đổ lỗi cho các vụ thảm sát bằng súng vào hành vi của hung thủ hơn là vũ khí.

Như thực tế đã chỉ ra, Chicago là nơi có “luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất” ở Mỹ nhưng vẫn có tới 4.368 người trở thành nạn nhân trong các vụ việc liên quan đến súng hồi năm ngoái. Còn năm nay, con số cũng lên tới 2.877.

Trong cuộc bầu cử năm ngoái, ông Trump công kích đảng Dân chủ của bà Hillary Clinton trong việc ủng hộ việc kiểm soát súng chặt chẽ và cam kết, ông sẽ là ứng cử viên bảo vệ quyền của khoảng 55 triệu người Mỹ hiện đang sở hữu vũ khí.

Tuy nhiên, một lần nữa quan điểm của tỷ phú 71 tuổi lại thay đổi sau vụ nổ súng ở hộp đêm Orlando năm ngoái.

Phát biểu sau thảm kịch, Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ việc hạn chế mua súng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Ông chủ Nhà Trắng cho biết, ông sẽ có cuộc họp với Hiệp hội Súng trường Quốc gia để đề nghị các quy tắc không bán súng cho các đối tượng tình nghi nằm trong danh sách nguy hiểm.

Nhưng sau đó, dường như không có cuộc họp nào được diễn ra và mọi thứ tiếp tục lắng xuống.

Tổng thống Trump chưa cho thấy một quan điểm rõ ràng về vấn đề kiểm soát súng.

Công chúng cũng nhớ tới quyết định gây tranh cãi của ông Trump khi đảo ngược đạo luật dưới thời Obama về việc cấm những người đang điều trị bệnh tâm thần mua vũ khí.

Quan điểm của đảng Cộng hòa gọi đạo luật cấm trên là “mơ hồ” và mang tính phân biệt đối xử khi nó gộp cả những người không đủ khả năng lo tài chính cá nhân, hay cần sự hỗ trợ của người thứ ba vào trong danh sách cấm.

Trong khi đó, một số nghiên cứu chỉ ra, chỉ có khoảng 4% số vụ bạo lực về súng tại Mỹ là do bệnh nhân tâm thần thực hiện.

Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, bất kỳ đạo luật kiểm soát súng nào không được thực hiện triệt để sẽ chỉ gây phản tác dụng.

Việc mua bán súng ở Mỹ tương đối dễ dàng và các lệnh cấm không giống nhau theo từng bang. Có những kẽ hở khiến người không được phép mua vẫn có thể sắm cho mình một khẩu súng trên mạng.

Thống kê cho thấy tại Mỹ mỗi năm - dù các quy định về kiểm soát súng trở nên nghiêm ngặt hơn - vẫn có hàng chục ngàn người thể mua súng cho mình dù bản thân không được pháp luật cho phép.

Do đó, câu chuyện về quy định kiểm soát súng sau vụ thảm sát Las Vegas của ông Trump sẽ được nhiều người chờ đợi.

Số người chết hiện tại đã tăng lên 58, với số lượng người bị thương theo ước tính lên tới 500. Đây được coi là thảm kịch súng ống đau thương nhất trong nhiều năm trở lại đây ở Mỹ.

Công chúng Mỹ đang mong chờ một quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề kiểm soát súng của ông Trump. Hoặc là ủng hộ, hoặc là tiếp tục thả trôi như hiện tại, thay vì sự lập lờ như trong quá khứ.

Bài học kinh nghiệm

Australia thông qua đạo luật kiểm soát súng chặt chẽ dù bị phản đối.

Sau vụ thảm sát Port Arthur khiến 35 người thiệt mạng vào năm 1996, Quốc hội Australia đã tăng cường chặt chẽ hơn hoạt động kiểm soát súng, đồng thời ban hành đạo luật về sử dụng súng rất nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các thảm họa tương tự.  

Trong bước đi đầu tiên, Chính phủ liên bang đã yêu cầu các tiểu bang cấm các loại súng trường bán tự động và các loại súng bắn đạn ghém.

Hoạt động mua bán súng cũng bị cấm và những người đã mua trước đó cũng bị coi như sở hữu bất hợp pháp. Đất nước này không chấp nhận quyền tự vệ là lý do để sở hữu một khẩu súng và cấm bán súng qua dịch vụ đặt hàng.

Bước cải cách lớn của Australia được đánh giá là thành công khi từ đó đến nay không còn một thảm kịch nào xảy ra. Dù trước đó, chỉ trong vòng 18 năm đã có tới 13 thảm kịch tương tự.

Giống như Australia, Anh thắt chặt quy định súng sau vụ xả súng kinh hoàng năm 1996 - khi một người đàn ông giết chết 16 trẻ em và giáo viên tại trường tiểu học Dunblane, gần Stirling, Scotland.

Sau đó, Anh cấm một số loại súng ngắn và việc mua bán nhiều vũ khí khác cũng bị quy là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nó không mang lại sự cải thiện đáng kể.

Một mặt, số lượng vũ khí đã giảm từ mức cao 24.094 năm 2004 xuống còn 7.866 trong năm 2015. Mặt khác, tỉ lệ tội phạm vẫn tiếp tục gia tăng và trở nên khó lường hơn khi chúng bắt đầu tìm kiếm các nguồn vũ khí khác thay thế súng.

QUỐC VINH

Tin nổi bật