Tối 4/4 cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog) và 3 bị can trong vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TP.HCM và Đắk Lắk.
Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã xác định các bị can có dấu hiệu tội phạm sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị khởi tố vì sản xuất hàng giả
Trao đổi với PV ĐS&PL về 2 tội danh nêu trên, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp nêu quan điểm, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy những người này đã có hành vi sản xuất hàng giả (giả về chất lượng, giả về suất xứ hàng hóa, về nhãn mác…) thì có căn cứ để xử lý hình sự.
Ngoài ra hành vi gian dối để lừa dối người tiêu dùng với số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên thì cũng đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội lừa dối người tiêu dùng.
Luật sư Cường phân tích quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả. “Hàng giả” gồm hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm có mức hình phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 198 Bộ luật Hình sự cũng quy định: Tội lừa dối khách hàng – như việc cung cấp thông tin gian dối, ghi nhãn sai, bán hàng kém chất lượng trá hình dưới vỏ bọc sản phẩm chính hãng – có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.
TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
“Đối với vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị số hàng giả đã sản xuất và bán ra thị trường để xác định khung hình phạt mà các bị can phải đối mặt.
Ngoài ra, với những nội dung mà các bị can quảng cáo, so sánh một viên kẹo với đĩa rau, đưa ra những thông tin thổi phòng công dụng của sản phẩm, thì cho thấy đây là hành vi gian dối, vì gian dối mà thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì có đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội lừa dối người tiêu dùng”, LS Cường nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, vụ việc Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục cùng các bị can khác bị khởi tố về hai tội danh Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng không chỉ gây chấn động mạng xã hội, mà còn đặt ra một câu hỏi lớn: Khi một người nổi tiếng – từng lan tỏa hình ảnh đẹp– lại bị cáo buộc tiếp tay cho hành vi gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, thì chúng ta nên nhìn nhận điều đó ra sao?
Luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
"Đây không còn là “kinh doanh sai phạm”, mà đã là hành vi phạm tội hình sự và sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Người nổi tiếng có thể có sức ảnh hưởng, nhưng không thể có quyền đứng ngoài pháp luật. Danh tiếng không phải là “tấm khiên” bảo vệ trước những hậu quả hình sự. Ngược lại, chính sự nổi tiếng đôi khi lại khiến hành vi sai phạm để lại hậu quả xã hội nghiêm trọng hơn, khi niềm tin của công chúng bị phản bội”, LS Hiển nhận định.