Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ vụ đại gia "tố" bị đánh đập, viết giấy nợ 40 tỉ: Bị ép viết giấy nợ, có phải trả hay không?

(DS&PL) -

Một đại gia bất động sản ở Bình Thuận tố bị một nhóm người gọi vào khu biệt thự rồi đánh đập, bắt viết giấy nợ 40 tỷ đồng.

Một đại gia bất động sản ở Bình Thuận tố bị một nhóm người gọi vào khu biệt thự rồi đánh đập, bắt viết giấy nợ 40 tỷ đồng.

Ngày 19/11, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cho hay đang lấy lời khai của ông Nam (đã đổi tên, ngụ tại huyện Bắc Bình), để điều tra làm rõ việc ông này trình báo bị bắt cóc tống tiền.

Theo thông tin ban, ông Nam có giao dịch buôn bán đất với Phạm Thanh Liêm, cựu nhân viên phòng Tài chính huyện Bắc Bình, đã bị cảnh sát bắt giam điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 14/11.

Một nhóm người đã gọi điện yêu cầu ông Nam đến khu biệt thự tại Mũi Né để trao đổi vấn đề liên quan đến Liêm. Khi ông Nam đến, nhóm người này tịch thu điện thoại, đánh đập buộc ông Nam phải viết giấy nợ 40 tỷ đồng vì cho rằng đại gia này cùng Liêm lừa đảo.

Gia đình ông Nam đã chuyển khoảng 1,1 tỷ đồng vào tài khoản của nhóm người này, sau đó họ đưa ông Nam vào huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vào tối cùng ngày và đe dọa không được trình báo công an.

Ông Ninh được gia đình đưa đi cấp cứu sau đó đại gia này xin vào tạm trú tại trụ sở công an.

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định việc giao dịch giữa ông Ninh và Phạm Thanh Liêm là đúng pháp luật. Công an tỉnh Bình Thuận tiếp tục điều tra xác minh vụ việc.

Liên quan đến vụ việc này, nhiều người thắc mắc, bị ép viết giấy nhận nợ thì có phải trả nợ hay không?

Chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, văn phòng Luật FDVN Đà Nẵng nhận định, trong các mối quan hệ kinh tế, việc nhận nợ là một hành vi thể hiện việc xác lập nghĩa vụ của một bên đối với chủ nợ, hoặc người có quyền liên quan đến khoản nợ. Đây được xem là một giao dịch dân sự và khi viết giấy nhận nợ, thì người xác lập nghĩa vụ có hoàn toàn tự nguyện, có thiện chí để thực hiện không hay là do bị ép buộc, do gian dối, nên mới phải ghi nợ.

Chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt

Bởi theo quy định tại Điều 117 BLDS 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì người nhận nợ phải hoàn toàn tự nguyện, mục đích, nội dung của việc nhận nợ không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, nếu không thì việc nhận nợ này bị vô hiệu.

Cũng như theo quy định tại Điều 127 BLDS 2015 thì khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Hành vi đe dọa, cưỡng bức được hiểu là “Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

Cũng theo chuyên gia Mai Quốc Việt, theo thông tin ban đầu từ báo chí thì ông Nam không hề tham gia vào quá trình vay mượn nào với nhóm giang hồ. Giấy ghi nợ này được viết dựa trên hành vi cưỡng ép, không phải do ý chí tự nguyện của ông Nam vì vậy giấy ghi nợ này không có giá trị pháp luật, và không thể ràng buộc trách nhiệm đối với ông Nam. Ông Nam có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Khi giải quyết tranh chấp liên quan đến giấy nhận nợ, thì Tòa án khi xét xử sẽ dựa vào nhiều yếu tố, không chỉ đơn giản chỉ là một tờ giấy nhận nợ. Đơn cử như, ông Nam phải chứng minh việc viết giấy ghi nợ này là dựa trên sự cưỡng ép, không tự nguyện. Còn đối với chủ nợ thì phải chứng minh được việc có cho ông Nam vay mượn, có giao tiền.

Chuyên gia Mai Quốc Việt phân tích thêm, ngoài ra, đối với trường hợp ép nạn nhận phải viết giấy nhận nợ còn có dấu hiệu về mặt hình sự. Bởi, các đối tượng đã đánh đập, uy hiếp, dùng nhiều cách thức để ép buộc ông Nam phải ký giấy nhận nợ, trong khi trên thực tế, ông Nam không phải là đối tượng vay mượn nợ, không có việc giao nhận tiền.

Và từ giấy nhận nợ này, các đối tượng uy hiếp, chiếm đoạt tài sản thì đã có dấu hiệu hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 BLHS 2015, cụ thể: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Trâm Anh

Tin nổi bật