Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ ngày 6/5, lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6 để có hiệu lực ngày 1/7/2025.

Theo Người Đưa Tin, ngày 5/5, thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này chỉ tập trung sửa đổi để phục vụ cho việc tinh gọn, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, giai đoạn 1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã sửa 4 Luật, đó là Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Quốc hội đã ban hành 11 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết liên quan tới công tác tổ chức. Bên cạnh đó, đã tinh gọn bộ máy của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương.

Giai đoạn 2 đang được thực hiện với việc sáp nhập cấp xã, dự kiến giảm từ 10.035 xã, còn khoảng 3.320 xã và sáp nhập cấp tỉnh. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương này thì từ 63 tỉnh, thành phố sẽ còn 34 tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú tại Phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Thời báo VTV

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chỉ bàn đến 2 nhóm nội dung. Đó là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. 

Đồng thời, quy định để đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Một lần nữa Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp lịch sử, nếu Quốc hội thông qua sẽ sửa đổi, bổ sung 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6 để có hiệu lực ngày 1/7/2025. 

Sau đó, sẽ có khoảng 1,5 tháng để hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cấp xã, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Thời báo VTV đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo bắt đầu từ ngày 6/5 sẽ tổ chức công bố lấy ý kiến Nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, các cơ quan báo chí: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu đẩy mạnh và không ngừng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị, tạo thành những đợt sinh hoạt chính trị, phong trào thi đua yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Cùng với đó, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng điện tử VneID.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (gọi tắt là Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp) cần nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong quá trình triển khai lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết, kịp thời định hướng, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp, đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai nhiệm vụ được phân công, khắc phục các khó khăn về áp lực tiến độ, công việc để cùng toàn thể Ủy ban hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tin nổi bật