Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ lâm tặc trở thành người chữa “vết thương” cho rừng

(DS&PL) -

Sau khi mãn hạn tù, anh Katơr Kinh đã hoàn lương, quyết tâm chuộc lại lỗi lầm bằng cách tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.

Từng bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội Phá rừng nhưng sau khi mãn hạn tù, anh Katơr Kinh (dân tộc Raglai, ngụ thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) đã hoàn lương, quyết tâm chuộc lại lỗi lầm bằng cách tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.

Anh Katơr Kinh. - Ảnh: Duy Quan

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

Cách đây 3 năm, do không có đất sản xuất nên anh Katơr Kinh thường xuyên phá rừng làm rẫy. Trong một lần phá rừng, anh bị kiểm lâm phát hiện và phải trả giá bản án 4 năm tù giam cho hành động vi phạm pháp luật.

Trong thời gian thi hành án, Katơr Kinh đã được tham gia nhiều buổi sinh hoạt tập thể mà tại đó, các cán bộ trại giam thường xuyên lồng ghép nhiều chủ đề liên quan đến bảo vệ rừng để giữ môi trường sinh thái. Mưa dầm thấm lâu, Katơr Kinh dần nhận ra sai lầm của bản thân và quyết tâm thay đổi.

Năm 2013, nhờ cải tạo tốt, Katơr Kinh đã được ra tù trước thời hạn 2 năm. Với mong muốn chuộc lại lỗi lầm, khi trở về cộng đồng, anh đã dồn hết tâm huyết vào việc phủ xanh những mảng rừng từng bị tàn phá. Giờ đây, Katơr Kinh đã biết cách mưu sinh dựa vào rừng. Anh mạnh dạn thực hiện mô hình trồng xen canh cây ngô lai với bưởi, chuối... phù hợp với điều kiện khí hậu để tăng thu nhập. Nhờ đó, từ chỗ thiếu ăn thiếu mặc, đời sống gia đình anh ngày một sung túc.

Nghe Katơr Kinh tuyên truyền, vận động, nhiều đối tượng phá rừng đã từ bỏ việc phá rừng về lại cộng đồng tu tâm, dưỡng tính quyết tâm không tái phạm. Anh Katơr Bó (ngụ xã Phước Bình) chia sẻ: “Ngày trước do thiếu hiểu biết về pháp luật, tôi và một số người trong thôn đã lên rừng cưa gỗ bán để lấy tiền tiêu xài. Nhưng, khi được Katơr Kinh khuyên bảo, tôi cũng ăn năn hối lỗi. Tôi học theo Katơr Kinh vừa tham gia bảo vệ rừng vừa trồng cây ăn quả. Giờ được nhiều bà con trong thôn yêu quý, khen ngợi, tôi mừng lắm!”.

Người Trưởng thôn gương mẫu

Nhiều người, đặc biệt là các thanh niên lầm lỗi sau khi được tiếp xúc với Katơr Kinh đã có thêm động lực vượt qua quá khứ “bất hảo”, tự nguyện tham gia vào tổ cộng đồng bảo vệ rừng. Dần dần, tổ bảo vệ của Katơr Kinh đã được “trẻ hóa”, việc quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp và nhanh nhẹn hơn. Từ đó, Katơr Kinh đã trở thành gương điển hình về công tác phòng, chống phá rừng ở xã vùng cao này. Đến năm 2015, anh được người dân tin tưởng bầu làm Trưởng thôn Hành Rạc 1.

"Sau khi Katơr Kinh tham gia vào tổ cộng đồng bảo vệ rừng, tôi thấy những cánh rừng ở đây đã dần trở lại màu xanh. Cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn trước, nên nhiều người lầm lỗi của địa phương đã học tập và noi theo tấm gương của Katơr Kinh. Mọi người trong thôn đều cảm phục và quý mến cậu ấy!”, ông Pi Năng Minh, nguyên Trưởng thôn Hạnh Rạc 1 chia sẻ.

Khi chúng tôi nhắc về những thành quả đã đạt được, anh Katơr Kinh chỉ cười xòa: “Muốn đồng bào không phá rừng làm rẫy, tôi và các thành viên trong tổ bảo vệ rừng cộng đồng phải gương mẫu, không được chặt phá hay đốt rừng. Khi mình làm được, bà con sẽ làm theo”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ đồng bào các dân tộc thiểu số thôn Hành Rạc (nay chia thành 2 thôn: Hành Rạc 1, Hành Rạc 2) đã tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nhờ đó, tình trạng đốt rừng lấy đất làm rẫy, khai thác tài nguyên rừng trái phép trên địa bàn không còn. Mô hình ngày càng được nhân rộng ra toàn xã. Tính đến nay, 470ha đất rừng trong Vườn Quốc gia Phước Bình được giao khoán lại cho bà con thôn Hạnh Rạc 1 quản lý đã được phủ xanh, tình trạng phá rừng đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

Xuôi theo tuyến Tỉnh lộ ĐT 707 đoạn qua xã Phước Bình, những đồi núi trọc đã được phủ xanh, những “vết thương” nham nhở ven triền núi đã được chữa lành. Bằng những việc làm cụ thể của chính người dân địa phương, không gian của núi rừng đã được “khởi sắc”. “Đã có sức làm thì phải có sức chịu. Biết sai thì phải sửa, nếu đã sửa thì phải tốt hơn trước”, Katơr Kinh nói và nhìn về phía rừng xanh ngút ngàn.

D.Q
Theo báo giấy Đời Sống & Pháp Luật số 103 (ngày 27/08/2018)

Tin nổi bật