Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ kỹ nữ thành tướng cướp biển thống lĩnh đội Hồng Kỳ khét tiếng mọi thời đại

(DS&PL) -

Xuất thân là kỹ nữ lầu xanh, chẳng ai nghĩ có ngày Trịnh Nhất Tẩu sẽ trở thành một nữ hải tặc quyền lực, thống lĩnh hạm đội Hồng Kỳ khét tiếng

Xuất thân là kỹ nữ lầu xanh, chẳng ai nghĩ có ngày Trịnh Nhất Tẩu sẽ trở thành một nữ hải tặc quyền lực, thống lĩnh hạm đội Hồng Kỳ khét tiếng - nỗi khiếp sợ đối với tàu thuyền và cư dân các làng mạc ven biển phía Nam.

Dưới sự chỉ huy của người đàn bà khắt khe, mưu lược, bang Hồng Kỳ ngày càng mở rộng cả về số lượng chiến thuyền, thuỷ thủ, chiến lợi phẩm cũng như một hệ thống kinh doanh có tổ chức. Thông qua các cuộc đàm phán khó khăn, Trịnh Nhất Tẩu cuối cùng cũng quy thuận triều đình và đặc biệt, thị có thể giữ lại toàn bộ của cải từng cướp được.

Một thời “buôn phấn bán hương”

Có rất ít thông tin về những năm đầu đời của Trịnh Nhất Tẩu (hay còn gọi là Trịnh Thị). Người ta chỉ biết thị sinh ra ở tỉnh Quảng Đông vào năm 1775 rồi theo nghề buôn phấn bán hương trong một lầu xanh nổi tiếng ở Quảng Châu. Năm 1801, cướp biển Trịnh Nhất, khi ấy là người chỉ huy hạm đội Hồng Kỳ, nhận thấy vẻ đẹp của người kỹ nữ và ngỏ ý muốn ở bên thị. Có nhiều ghi chép khác nhau về cách họ “về chung một nhà”. Một trong số đó viết rằng Trịnh Nhất đã ra lệnh cho đàn em đột kích, cướp bóc lầu xanh và yêu cầu họ giao nộp Trịnh Nhất Tẩu, kỹ nữ mà anh ta yêu thích nhất. Sau đó Trịnh Nhất và Trịnh Nhất Tẩu đã kết hôn. Một số ghi chép khác thì cho rằng, Trịnh Nhất chỉ đơn giản đề nghị Trịnh Nhất Tẩu lấy anh ta. Và thị đã đồng ý nhờ điều kiện về một số quyền lực trong bang.

Kể từ khi Trịnh Nhất và Trịnh Nhất Tẩu sát cánh bên nhau, hạm đội Hồng Kỳ nhanh chóng tăng từ 200 tàu lên hơn 600 tàu, và cuối cùng đạt tới khoảng 1.700 - 1.800 tàu. Hạm đội của họ có đội tàu chính mang màu Đỏ và các đội còn lại mang màu Đen, Trắng, Xanh dương, Vàng và Xanh lục. Họ thành lập liên minh cướp biển Quảng Đông với một tên cướp biển khác.

Trịnh Thị đấu kiếm với quan quân triều đình.

Sử sách kể rằng, Trịnh Nhất qua đời năm 1807, tức chỉ 6 năm sau khi cưới Trịnh Nhất Tẩu. Thời điểm này, số lượng cướp biển gia nhập hạm đội Hồng Kỳ đã lên đến khoảng 50.000 - 70.000 tên. Trịnh Nhất Tẩu đương nhiên không muốn quay trở lại cuộc sống nhơ nhớp trước kia, càng biết rằng đây là cơ hội giúp thị nâng mình thành nữ chúa của bang cướp.

Nếu là người phụ nữ muốn hưởng vinh hoa phú quý trong an nhàn, thị chỉ cần trao lại quyền lực cho Trương Bảo – người con nuôi của Trịnh Nhất lên tiếp quản, chỉ huy hạm đội. Tuy nhiên ai cũng biết rằng, Trịnh Nhất Tẩu luôn khao khát quyền lực và thứ vinh quang khi trở thành thủ lĩnh của hạm đội Hồng Kỳ. Với sự hỗ trợ của Trương Bảo, trong vai trò là người tình của y, Trịnh Nhất Tẩu nhanh chóng hiện thực hóa ước mơ của mình. Thị trao chức thuyền trưởng hạm đội cho Trương Bảo, còn mình phụ trách việc kinh doanh và vạch ra chiến lược quân sự cho cả đạo quân cướp biển.

Nữ hải tặc khét tiếng mọi thời đại

Trịnh Nhất Tẩu là một nữ chúa khắt khe và có óc chiến lược. Thị đổ dồn tâm huyết cho chiến lược kinh doanh và quân sự. Theo đánh giá của các chuyên gia, nữ hải tặc này thậm chí đã lập nên một thể chế đặc biệt, theo đó những tên cướp dưới trướng của thị đã bị ràng buộc và đồng thời được bảo vệ bởi luật lệ và thuế. Bất kỳ của cải nào có được sau khi cướp bóc đều phải thông báo với hạm đội và đăng ký trước khi chúng được phân phối. Các con tàu đều được giữ lại 20% giá trị chiến lợi phẩm, trong khi 80% còn lại được đưa vào quỹ tập thể của bang. Trịnh Nhất Tẩu đặt ra những quy tắc rất nghiêm ngặt liên quan đến việc xử lý các tù nhân bị bắt nói chung và tù nhân nữ nói riêng. Các tù nhân nữ bị coi là "xấu xí" đều được thả ra, không hề hấn gì.

Một tên cướp biển được tự do lấy một phụ nữ xinh đẹp bị giam giữ làm vợ, nhưng họ nhất định phải chung thủy và chăm sóc cho cô ấy. Sự bất tín và hãm hiếp bị coi là trọng tội và đám hải tặc sẽ bị xử tử nếu phạm phải điều này. Bên cạnh đó, những kẻ không tuân thủ luật lệ còn phải đối mặt với những màn tra tấn kinh hoàng. Kẻ đào tẩu sẽ bị săn lùng và bị cắt đứt đôi tai khi bị bắt. Các hình phạt khác bao gồm phanh thây, tra tấn bằng roi da, sắt nung...

Hơn thế, đội tàu của Trịnh Nhất Tẩu còn nắm quyền cai trị trên nhiều làng ven biển, một số phải nộp thuế, phí. Những ngôi làng ven biển này trải dài từ Macau đến Quảng Châu. Do đó, Trịnh Nhất Tẩu bị coi là "Nỗi khiếp sợ của miền Nam Trung Quốc", người phụ nữ tàn nhẫn sẵn sàng trừng phạt những kẻ chống lại mình bằng cách đánh đập và đóng đinh chân họ vào boong tàu của mình. Một số người cho rằng Trịnh Nhất Tẩu vốn là một kẻ buôn lậu thuốc phiện, trong khi những người khác cho rằng thị chủ yếu chỉ dẫn quân cướp bóc không chừa một ai.
Rửa tay gác kiếm

Các tàu hải quân Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Anh quốc đều bị đánh bại bởi đội tàu của Trịnh Nhất Tẩu.Theo tờ VnExpress, triều đình nhà Thanh đã nhiều lần điều binh vây đánh, hải quân Bồ Đào Nha cùng các chiến thuyền của công ty Đông Ấn cũng tham gia truy quét đội quân hải tặc này, nhưng đều thất bại vì lực lượng của hạm đội Hồng Kỳ quá lớn. Một đề đốc hải quân Mãn Thanh dâng sớ lên triều đình báo cáo về đội quân này như sau: "Hải tặc quá mạnh, chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực". Ghi chép của sử gia Wick Alison cho thấy hạm đội Hồng Kỳ dưới quyền chỉ huy của Trịnh Thị có đến 200 chiến thuyền viễn dương cỡ lớn, mỗi chiếc được trang bị 20-30 khẩu đại bác, sẵn sàng chống trả quyết liệt các cuộc vây ráp của hải quân nhà Thanh và quân tiếp viện do vua Bồ Đào Nha và vua Anh gửi đến.

Suốt một thời gian dài giao tranh trên các vùng biển, quân triều đình vẫn không thể nào thu phục được bang cướp của Trịnh Thị. Tuy nhiên, nội bộ hải tặc cũng bắt đầu xuất hiện chia rẽ, lục đục, phân thành hai nhánh là Cờ Đỏ và Cờ Đen. Biết rằng khó có thể đánh bại bang cướp bằng vũ lực, triều đình nhà Thanh đã chấp nhận đàm phán để kêu gọi hạm đội Hồng Kỳ quy thuận triều đình, chấm dứt chuỗi ngày vùng vẫy giữa biển khơi của Trịnh Nhất Tẩu Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Trương Bảo và tổng đốc Lưỡng Quảng liên tục lâm vào bế tắc. Triều đình nhà Thanh muốn cướp biển quỳ trước mặt họ, và có sự bất đồng về những gì sẽ xảy ra với trữ lượng cướp.
Sau đó, Trịnh Nhất Tẩu tay không bước vào phòng đàm phán, kèm theo 17 phụ nữ và trẻ em mù chữ.Cuối cùng, Trịnh Nhất Tẩu đã được phép giữ tất cả của cải cướp bọc được.Để giải quyết bế tắc, tổng đốc Lưỡng Quảng đã đứng ra là chủ hôn cho Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo, để cặp đôi phải quỳ bái trước ông ta khi cử hành hôn lễ. Tại thời điểm này, Trịnh Nhất Tẩu đã rửa tay gác kiếm và có một con trai với Trương Bảo. Khi chồng qua đời, Trịnh Nhất Tẩu trở về Quảng Châu và mở sòng bạc của riêng mình. Nữ hải tặc lừng lẫy một thuở sống tại mảnh đất này cho đến khi bà qua đời vào năm 1844.

NGÂN HÀ (Theo Ancient Origins, Atlas Obscura, Vnexpress)
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 77 

Tin nổi bật