Mấy ngày qua, sau sự cố cây phượng bật gốc trong sân trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM), đã không ít trường học trên cả nước đốn bỏ cây xanh, nhất là những cây phượng vỹ. Thực tế, nếu trường nào cũng áp dụng cách này, loài cây được coi là gắn liền với những kỷ niệm tuổi học trò sẽ hoàn toàn bị trục xuất khỏi “môi trường” học đường. Phải chăng, các vị hiệu trưởng đang lo sợ trách nhiệm nên vội vã ra tay, thà chặt nhầm hơn bỏ sót?
Hành động vội vã mang tính cực đoan
Sau sự việc đau lòng tại trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) khiến 17 học sinh bị thương và 1 học sinh tử vong do cây phượng bật gốc đè trúng, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị các địa phương, nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn trường học.
Tuy nhiên thay vì cắt tỉa, xử lý những cây nguy hiểm, nhiều trường học lại đốn hạ toàn bộ cây xanh đang có, trong đó có những cây phượng vỹ được trồng lâu năm vì coi đây là mối nguy hiểm cho học sinh. Sau đợt ra quân rầm rộ, thứ còn lại là sân trường nắng chói chang, những gốc cây trơ trọi trên nền sân xi măng. Học sinh phải ngẩn ngơ khi nhìn hàng cây phượng vỹ đang mùa trổ hoa nằm la liệt trong sân trường.
Cây phượng vỹ |
Hơn 20 năm công tác, gắn bó với cây xanh, khi trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL về việc các trường đốn hạ những hàng cây phượng vỹ, ông Nguyễn Tôn Quyền - nguyên Phó Chủ tịch hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói rằng, hành động chặt cây phượng một cách vội vàng là cực đoan. Theo phân tích của ông Quyền, cây phượng ở nước ta có rất nhiều ý nghĩa, về lịch sử thì cây phượng đã có từ rất lâu đời, 100 năm trước người Pháp khi đô hộ Việt Nam đã mang giống từ châu Phi về trồng nhiều ở các khu phố người Pháp ở và đến nay nó vẫn tồn tại.
Hơn nữa, cây phượng gắn liền với tuổi học trò, mỗi người trong đời đều có dấu ấn đẹp về thời học sinh qua mùa hoa phượng nở đỏ rực sân trường. Việc chặt bỏ cây phượng chỉ vì sự cố hi hữu thật không công bằng. “Sự cố xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng chỉ là sự hi hữu, trước đây chưa từng xảy ra. Chính vì vậy, các trường nên dừng lại hành động chặt hạ cây phượng ngay lập tức”, ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, sự cố đau lòng kia là lỗi của người quản lý chứ không phải do cây phượng, vì người quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên để xem xét chất lượng cây trồng trong sân nhà trường, đồng thời cảnh báo học sinh trước nguy cơ cây kém chất lượng.
“Chẳng ai nghĩ tới cảnh hàng cây phượng xanh mát ở góc sân trường chất chứa bao kỷ niệm thời cắp sách đến trường, tỏa bóng mát cho thầy trò trong mùa nắng nóng lại có ngày gây thảm họa cho học sinh đâu. Nếu các hiệu trưởng vội vã cho người đốn hạ, phải chăng là đang lo sợ trách nhiệm nên có “mệnh lệnh” kiểu thà chặt nhầm hơn bỏ sót?”, ông Quyền bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Lê Huy Cường - Ủy viên hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, việc đốn hạ cây phượng của các trường hiện nay là việc làm thái quá. “Chỉ vì một cây phượng già mục đổ, vì không ai để ý mà ảnh hưởng đến rất nhiều cây phượng đang trong đà phát triển, xanh tốt là không nên. Chặt một cây xanh thì thật dễ, chỉ vài phút là xong, nhưng để trồng và cây phát triển thì là cả một quá trình, mất đến hàng chục năm. Hơn nữa, cây phượng có ý nghĩa quan trọng đối với bao thế hệ học sinh. Vì vậy, trước khi chặt cây, các nhà trường nên xem xét, thăm dò thật kỹ để tránh chặt nhầm” - ông Cường cho hay.
Cây xanh không có lỗi!
Thay vì “diệt tận gốc” một cách cực đoan, một số trường đang tìm cách cố gắng giữ lại loài cây phượng vỹ gắn với học trò. Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (TP.HCM) cho rằng, tai nạn đáng buồn tại trường THCS Bạch Đằng là sự việc hi hữu. Có nhiều giải pháp khác để đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường học thay vì đốn hạ cây.
Theo chia sẻ của vị Hiệu trưởng, tại trường đang có một cây phượng tuổi đời hơn 30 năm. Khi mua cây này về trồng, được sự tư vấn kỹ thuật từ công ty công viên cây xanh TP.HCM, nhà trường đã gia cố 4 trụ đỡ bằng sắt kiên cố, bao quanh thân là một vòng sắt hàn chặt với 4 trụ đỡ kéo dài đến mặt đất. Ngoài ra, phía dưới 4 trụ được lắp đặt thêm hàng ghế ngồi xung quanh.
“Trường làm trụ này tốn khoảng 6 triệu đồng, nhờ vậy được nhiều phụ huynh khen ngợi vì giữ được mảng xanh cho trường. Mỗi năm đều có nhờ công ty đến chăm sóc, tỉa cành cho cây. Hiện tại, trường đang có gần 15 cây phượng, cho đến thời điểm này, nhà trường chưa đốn hạ một cây nào”, thầy Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, thầy Tuấn cũng cho biết: “Hiện xung quanh trường, phượng ra hoa rất đẹp, bóng rợp mát, nhất là cây phượng hơn 30 năm tuổi nên thầy cô, học sinh trong trường đều rất thích. Sau khi sự việc học sinh tử nạn đau lòng tại trường THCS Bạch Đằng, thầy cô có chia sẻ với tôi về việc chăm sóc, cắt tỉa cành định kỳ, giữ được cây nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho học sinh”.
Cách trồng phượng vỹ an toàn trong trường học Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, TS. Phùng Tửu Bôi - Giám đốc trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng (hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) cho hay, không chỉ cây phượng, mà nhiều loại cây khi trồng ở đô thị, trên đường phố thường bị bó hẹp không gian sinh trưởng. Việc cây phượng ở sân trường phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc định kỳ. Thông thường các trường hiện nay đều bê tông hóa mặt đất, làm bó bộ rễ cây lại. Khi trồng cây phượng yêu cầu phải đủ không gian cho cây phát triển, việc tỉa cành, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên để cho cây cân đối vì cành phượng rất nặng. Đối với những nơi đã trồng cây nhưng không có không gian, cần phải thực hiện biện pháp kỹ thuật là gia cố cây bằng trụ đỡ để tránh hiện tượng cây đổ. |
Thu Huyền - Lê Liên
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 90