Liên quan đến vấn đề trên PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Sự ấu trĩ đáng hổ thẹn
Thưa PGS, quan điển của ông ra sao khi thấy những cuốn sách kém chất lượng vẫn được lưu hành rộng rãi, thậm chí trong một thời gian rất dài?
Theo nguyên tắc, mỗi cuốn sách, cuốn từ điển trước khi đến tay người đọc sẽ phải trải qua quá trình làm việc khoa học và quy trình thẩm định chặt chẽ. Chẳng hạn, một cuốn từ điển thông thường bao giờ cũng có những nguyên tắc và thể lệ để biên soạn. Tác giả phải có tính toán phù hợp về số lượng từ thực hiện, đối tượng phục vụ và nội dung cuốn từ điển muốn bao hàm.
Hiện nay, cuốn từ điển lớn nhất là Đại từ điển tiếng Việt có khoảng 40.000 từ. Cuốn từ điển nhỏ như chúng ta đang đề cập thì số lượng từ ít và cách giải nghĩa cũng đơn giản. Tuy nhiên, đối với những người làm từ điển thực thụ thì đây là một việc làm khó chứ không hề đơn giản. Việc thiết lập bảng từ xem từ nào cần và từ nào không cần đưa vào đã là một vấn đề. Cách giải nghĩa xem thế nào để vừa đầy đủ, vừa giúp học sinh dễ hiểu lại càng khó.
Trong cuốn từ điển của Vũ Chất in lô- gô NXB Trẻ phát hành nếu xem xét kỹ thì thấy có những từ chọn lựa chưa được cẩn thận và giải thích rất cẩu thả. Tác giả còn chưa phân biệt được những khái niệm cơ bản về từ và tổ hợp tự do. Việc giải nghĩa từ còn ngô nghê, thậm chí có nhiều từ kết hợp một cách thô thiển, sai hoàn toàn.
Chẳng hạn một từ quen thuộc như từ "ăn" nhưng tác giả lại chỉ giải thích là "cắn, nhai và nuốt, bỏ vào miệng". Tuy nhiên, nếu định nghĩa đúng thì "ăn là tự cho vào cơ thể thức nuôi sống". Ngoài "ăn cơm", "ăn bánh", "ăn trầu" thì còn "ăn xăng", "ăn ảnh", "ăn đòn"... Những từ cơ bản như thế thì phải đưa tất cả những nét nghĩa vào nhưng tác giả cũng không thực hiện được.
Xin PGS nói rõ thêm về quy trình xuất bản một cuốn sách hoặc từ điển?
Quy trình xuất bản một cuốn từ điển cũng giống như quy trình xuất bản các xuất bản phẩm khác. NXB nhận bản thảo rồi biên tập. Tuỳ theo chức năng của các NXB mà họ có đội ngũ biên tập phù hợp với khả năng có thể thẩm định.
Về nguyên tắc trước khi xuất bản thì NXB phải nộp lưu chiểu cho cục Xuất bản, in và phát hành xem xét. Trong một khoảng thời gian nhất định, chừng một vài tuần, cục Xuất bản, in và phát hành sẽ đọc thẩm định. Sau khi đọc thẩm định, họ thông báo là sách đó có thể phát hành, lúc đó NXB mới được phép phát hành. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các NXB phát hành luôn, nộp lưu chiểu lúc nào tuỳ thích. Thậm chí, có những sách xuất bản một thời gian dài rồi mới nộp lưu chiểu. Họ không tuân thủ quy trình đợi nộp lưu chiểu xong, cục Xuất bản, in và phát hành có ý kiến rồi mới phát hành. Vì sự tuỳ hứng đó diễn ra tình trạng, sách lưu hành trên thị trường rồi, lúc đó độc giả kêu ầm ĩ lên Cục mới vào cuộc và phát hiện ra lỗi.
"Cái chết" đến từ việc khoán trắng?
Nhiều xuất bản phẩm dù phạm những lỗi rất nghiêm trọng nhưng tung ra thị trường một thời gian dài rồi mới bị phát hiện. Phải chăng sẽ là quá nguy hiểm khi đối tượng sử dụng lại là những em học sinh?
Đúng vậy. Chẳng hạn với cuốn từ điển của Vũ Chất, tôi thấy nó được biên soạn không tuân theo quy trình và phương pháp mà các nhà từ điển học phải tuân thủ. Tác giả cũng làm rất cẩu thả và tuỳ tiện trong cách định nghĩa. Đây là thực trạng rất đáng phê phán khi làm sách công cụ tra cứu ở nước ta hiện nay. Nếu học sinh dựa vào đó tra cứu và hiểu nghĩa thì không hiểu các em sẽ viết ra những bài văn ngô nghê đến mức nào.
Thông thường, các NXB khi xuất bản những cuốn sách cần sự cẩn thận như từ điển, họ thường mời các chuyên gia hay các cơ quan có khả năng về vấn đề liên quan. Rất tiếc là có nhiều NXB hiện nay, vì quá tin vào đối tác liên kết và nghĩ rằng, nội dung biên tập đơn giản nên bỏ lọt rất nhiều lỗi. Không chỉ có cuốn này mà còn rất nhiều cuốn sách khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ không chỉ để lọt về mặt chất lượng mà còn bỏ lọt cả những nội dung sao chép từ các cuốn sách khác.
Đối với từ điển, trước đây, có một số đơn vị chuyên xuất bản từ điển. Theo xu thế đổi mới có nhiều NXB cũng chen chân vào làm mảng này. Tuy nhiên, xuất bản từ điển có cái khó riêng là những người thẩm định, biên tập phải có chuyên môn mới đọc và đánh giá nó một cách chính xác được.
Hiện nay, có ý kiến cho rằng, đa số các NXB đang phải đối diện với những gánh nặng về kinh tế. Vì sự sinh tồn, nhiều NXB đã chấp nhận việc bỏ mặc trách nhiệm của mình để chạy theo lợi nhuận, khoán trắng cho các đối tác. Đây có phải là lý do các cuốn sách có nội dung cẩu thả được đưa ra thị trường thưa PGS?
Việc xuất bản các sách nói chung hiện nay đang xảy ra tình trạng vì quá tin nhau nên NXB ủy thác toàn bộ trách nhiệm cho phía đối tác. Thậm chí có tình trạng, NXB cấp giấy phép cho rồi là xong chứ không biết bản thảo người ta in như thế nào. Có những trường hợp khi cục Xuất bản, in và phát hành liên hệ với NXB về một tác phẩm do đơn vị xuất bản nhưng giám đốc NXB này lại ngớ ra, không biết sách đó do chính đơn vị mình đứng tên xuất bản. Rồi khi sách có "sạn", họ tự nhận mình là người bị nạn khi đã đặt niềm tin quá lớn vào đối tác. Tuy nhiên, xét cho cùng, NXB vẫn phải chịu trách nhiệm chính vì đã được cục Xuất bản, in và phát hành ủy thác trách nhiệm về nội dung.
Xin chân thành cảm ơn PGS!