Truyền thông đại chúng là gì?
Truyền thông đại chúng là ngành đào tạo cho sinh viên những phương pháp truyền đạt thông tin đại chúng như phim ảnh, báo chí đến với nhiều đối tượng khác nhau với mục đích đạt được mục tiêu truyền thông đã đề ra. Sinh viên sẽ được đào tạo những kỹ năng để sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các phần mềm cơ bản để phục vụ cho việc xây dựng và sáng tạo ra các sản phẩm truyền thông. Đối với một số môn học tiêu biểu của ngành là: Xây dựng thương hiệu và hình ảnh, sản xuất sản phẩm quảng cáo, sản phẩm truyền thông in ấn,...
Truyền thông đa phương tiện là gì?
Truyền thông là ngành có vai trò quan trọng trong xã hội, dần trở thành trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội. Truyền thông hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả của tổ chức. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay truyền thông có cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ internet và những ứng dụng công nghệ thông tin. Các phương tiện truyền thông hiện nay đang bùng nổ như: quảng cáo số, mạng xã hội, thực tế ảo.
Ngành truyền thông đa phương tiện đang là ngành có độ tăng trưởng cao và có thể tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao không chỉ ở trong nước mà còn phát triển vươn tầm quốc tế trong thế giới phẳng. Mọi tổ chức từ chính phủ đến những đơn vị kinh doanh đều cần những phương tiện truyền thông hiệu quả trong thế giới tràn ngập thông tin.
Truyền thông đa phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các sáng kiến, thiết kế, kế hoạch để xây dựng được những sản phẩm đa phương tiện với mục đích phục vụ cho con người tại nhiều lĩnh vực khác nhau như truyền thông qua việc quảng cáo, truyền hình hoặc internet,... nhằm mục đích giải trí thông qua những ứng dụng hoạt hình, game,... và một số các lĩnh vực trong cuộc sống của con người.
Ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện khác nhau không?
Truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện là hai ngành học có sự tương tác lớn, đều mang đến vị trí việc làm trong lĩnh vực truyền thông.
Cả hai ngành này đều sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền tải thông tin, thông điệp truyền thông và mang đến sự ảnh hưởng trong nhận thức, suy nghĩ, hành động của công chúng. Tuy nhiên, truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện là hai ngành học có tính chất khác nhau.
Theo website Học viện Báo chí và Tuyên truyền, truyền thông đại chúng là ngành đào tạo kỹ năng sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm truyền thông đại chúng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông.
Trong khi đó, truyền thông đa phương tiện là ngành học đào tạo kỹ năng sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện, ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong truyền thông xã hội, quản trị website, các chương trình, chiến dịch truyền thông, thiết kế, thực hiện các dự án phát triển truyền thông đa phương tiện ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Cơ hội việc làm cũng là khía cạnh để phân biệt hai ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện. Sinh viên ngành truyền thông đại chúng có cơ hội làm công việc như: chuyên viên sáng tạo nội dung, sản xuất sản phẩm truyền thông, quảng cáo, phụ trách kinh doanh, phát triển các dự án hợp tác, liên kết truyền thông, quản trị khủng hoảng, nghiên cứu, ứng dụng, tư vấn phát triển truyền thông.
Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện có thể đảm nhận vị trí như: Đạo diễn, biên kịch, chuyên viên sáng tạo nội dung số, biên tập viên sản phẩm truyền thông số, quảng cáo, marketing, truyền thông xã hội, quản trị website, quản lý chương trình, chiến dịch truyền thông, khởi nghiệp truyền thông...
Ngành truyền thông đa phương tiện có phạm vi ảnh hưởng lớn đến mọi người ở mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Còn truyền thông đại chúng chỉ ảnh hưởng một nhóm đối tượng cụ thể.
Những người trong ngành cũng thường phân biệt 2 ngành này qua câu nói “Trong một bức tranh thì truyền thông đại chúng được ví như một nét vẽ, còn truyền thông đa phương tiện tượng trưng là những mảng màu’’. Cụ thể hơn, trong một công việc, truyền thông đại chúng sẽ lên nội dung, kế hoạch chung, còn truyền thông đa phương tiện sẽ hoàn thiện theo lối mà truyền thông đại chúng "vẽ’’ ra.
Nên chọn học truyền thông đại chúng hay truyền thông đa phương tiện?
Nên học truyền thông đa phương tiện hay truyền thông đại chúng? Đây là câu hỏi của rất nhiều bạn học sinh đang chuẩn bị làm hồ sơ xét tuyển đại học đạt ra rất nhiều. Cả 2 ngành học này sẽ phù hợp với mỗi người có cá tính khác nhau. Nếu cảm thấy phù hợp với ngành nào thì chúng ta cứ mạnh dạng chọn ngành nghề mà mình yêu thích để theo đuổi.
Những trường đào tạo tốt về ngành truyền thông đa phương tiện và ngành truyền thông đại chúng
Ngành truyền thông đa phương tiện đang được nhiều trường đại học trên cả nước tuyển sinh. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin, chương trình đào tạo ngành này của một số trường như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Phụ nữ Việt Nam, trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Công nghệ TP.HCM, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Trong khi đó, ngành truyền thông đại chúng chỉ có duy nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh và đào tạo. Năm 2023, trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành học này khối D01, R22 là 26,65 điểm, A16 lấy 26,15 điểm và C15 lấy 27,9 điểm.
Các tổ hợp xét tuyển ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện
Với ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện, bạn có thể sử dụng các khối thi sau để đăng ký xét tuyển. Mỗi trường sẽ sử dụng một tổ hợp khác nhau nên trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng, bạn cần phải tìm hiểu thông tin chi tiết về thông tin tuyển sinh của ngôi trường mà bạn muốn theo học.
A00: Toán, Lý, Hóa
A01: Toán, Lý, Anh
A16: Toán, Văn, Khoa học tự nhiên
C00: Văn, Sử, Địa
C15: Toán, Văn, Khoa học xã hội
D01: Toán, Văn, Anh
D03: Toán, Văn, tiếng Pháp
D04: Toán, Văn, tiếng Trung
R22: Toán, Văn, điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh
Thùy Dung (T/h)