Niềm tin của khán giả giảm sút
Khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ 2022 đang tới gần, các đài truyền hình Mỹ đang phải đối mặt với một câu hỏi không hề thoải mái: Làm thế nào để khán giả tin những gì họ phát sóng?
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người mát lòng tin vào các hãng tin tức và một loạt các ứng cử viên sẵn sàng tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận nếu họ thua, các nhà quản lý tin tức và giám đốc điều hành đài truyền hình Mỹ đang tìm cách giải quyết các cuộc công kích nhằm vào nền dân chủ, vốn đã trở nên phổ biến kể từ cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Nhà phân tích chính trị của kênh CBS News John Dickerson chia sẻ: "Bầu cử và kinh nghiệm của người Mỹ chủ yếu tồn tại dựa trên niềm tin vào hệ thống. Và nếu người dân không có niềm tin vào hệ thống, họ có thể sẽ thực hiện mọi thứ theo ý mình".
CBS News đã phát sóng các cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1948. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kênh truyền hình này phải cài đặt một "Bàn Dân chủ" chuyên dụng làm nền tảng các buổi phát sóng trực tiếp của họ. Trong đó, "Bàn Dân chủ" được đặt cách khu vực người dẫn chương trình trong trường quay ở Quảng trường Thời đại, bao gồm các chuyên gia luật bầu cử và phóng viên. Những người này sẽ đưa tin về các cáo buộc gian lận bầu cử và mối đe dọa bạo lực tại các điểm bỏ phiếu.
Đài truyền hình CBS đã đưa tin về các đêm bầu cử từ năm 1948 tới nay. Ảnh: NYTimes
Bà Mary Hager, trưởng ban biên tập của CBS về lĩnh vực chính trị, người có kinh nghiệm làm việc vào các đêm bầu cử trong suốt 3 thập kỷ, cho biết: "Điều này không giống với truyền thống. Tôi cũng không chắc chúng ta có bao giờ quay trở lại được như trước đây hay không".
Trong toàn ngành tin tức, các đài truyền hình đã thuê phóng viên ở khắp các bang từ nhiều tuần trước bầu cử. Những người này sẽ tới trung tâm các bang, tạo dựng mối quan hệ với các quan chức để tìm hiểu mọi thông tin có thể, từ quy tắc kiểm phiếu.
Dù vậy, nếu đêm bầu cử kết thúc trước khi một đảng nào được xác định giành chiến thắng, điều này có thể kéo dài thêm sự không ổn định, khiến những tin đồn và thông tin chưa kiểm chứng được lan truyền.
Hiện nay, niềm tin của công chúng với các đài truyền hình và hãng tin tức đang ở mức thấp hiếm thấy. Theo một cuộc thăm dò của Gallup, chỉ khoảng 1/3 người trưởng thành còn tin tưởng các hãng tin.
David Chalian, biên tập viên chính trị của CNN, nhận xét: "Tôi không thể kiểm soát những gì các chính trị gia định nói, nếu họ muốn đặt câu hỏi về kết quả cuộc bầu cử. Bạn phải khiến mọi thứ rõ ràng trong khi chỉ mới có một phần bức tranh".
Cách đây 2 năm, các kênh truyền hình Mỹ đã gặp khó khăn với một cuộc bầu cử bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và việc cựu Tổng thống Donald Trump từ chối chấp nhận thua cuộc.
Cuộc bầu cử 2022 tới đây lại là một thách thức hoàn toàn khác. Các đồng minh của ông Trump, người cách đây 2 năm đã đưa ra cáo buộc gian lận bầu cử, vẫn tiếp tục khiến các cử tri hoài nghi về tính minh bạch của các cuộc kiểm phiếu. Đặc biệt, một số ứng viên đảng Cộng hòa tại các bang chủ chốt vẫn chưa chấp nhận việc ông thua trong cuộc bầu cử năm 2020.
Kế hoạch của các đài truyền hình
Người Mỹ hiện nay có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, bao gồm mạng xã hội, các trang blog của đảng phái... Tuy nhiên, các kênh truyền hình vẫn đóng vai trò quan trọng, tường thuật trực tiếp diễn biến trong đêm bầu cử.
Marc Burstein, giám đốc điều hành phụ trách việc đưa tin về đêm bầu cử của ABC News, nói rằng nhóm của ông sẽ thông tin rõ ràng về những nơi "ngả xanh" (nghiêng về đảng Dân chủ) hay "ngả đỏ" (nghiêng về đảng Cộng hòa). Ông cho biết: "Chúng ta sẽ phải kiên nhẫn".
Trong khi đó, bà Carrie Budoff Brown, người phụ trách chương trình "Meet the President" của NBC, nhận định "mọi người đều có trách nhiệm" chuẩn bị cho khán giả nếu họ phải đợi lâu hơn để biết kết quả bầu cử.
Bất chấp lượng người xem của các kênh CNN và MSNBC giảm mạnh trong năm nay, các kênh truyền hình lớn khác đang có kế hoạch huy động toàn bộ đội hình vào khung giờ vàng để đưa tin chính trị trong ngày bầu cử 8/11 (giờ địa phương).
Trong đó, ABC, CBS và NBC sẽ bắt đầu đưa tin về đêm bầu cử truyền thống của họ từ 20h. Các giám đốc điều hành đài truyền hình lý giải rằng, nếu không phải cuộc bầu cử tổng thống, khán giả sẽ ít theo dõi hơn, thế nhưng điều này đã thay đổi vào năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Trump. Khi ấy, ABC, CBS và NBC mỗi đài đã dành 3 khung giờ vàng để đưa tin về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và thu được lượt người xem cao kỷ lục.
Fox News kết luận sớm về chiến thắng của ông Biden tại bang Arizona trong cuộc bầu cử năm 2020. Ảnh: NYTimes
Bản thân các đài truyền hình cũng cần chuẩn bị cho "cuộc đua" đưa tin trong đêm bầu cử. Vào năm 2020, Fox News là kênh truyền hình đầu tiên kết luận ông Joe Biden chiến thắng ở bang Arizona, một bang có truyền thống "ngả đỏ". Quyết định trên của nhà tư vấn Arnon Mishkin đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn nhưng sau đó nhiều ngày, các đài truyền hình khác cũng đã đưa ra kết luận tương tự. Dù vậy, với Fox News đây cũng là một bài học kinh nghiệm.
Khi Fox News đưa ra kết luận quá sớm như vậy, ông Trump đã vô cùng phẫn nộ. Do đó, hãng tin đã phải sa thải một cặp giám đốc điều hành hàng đầu, những người liên quan tới kết luận sớm trên. Ông Bret Baier, người phụ trách mục chính trị của Fox News, chia sẻ: "Sau sự việc năm 2020, chúng tôi sẽ xem xét các số liệu một cách kỹ lưỡng hơn".
Ông Baier nói rằng ông cùng nhiều người khác vô cùng bất ngờ khi đồng nghiệp của họ đưa ra kết luận quá sớm về kết quả kiểm phiếu ở Arizona, nói rằng đây có thể là sự nhầm lẫn trong giao tiếp. Ông Baier tâm sự: "Chúng tôi có lẽ đã học được một bài học từ sự kiện trên để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc bầu cử năm nay".
Minh Hạnh (Theo New York Times)