South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc sẽ xem xét các thủ tục pháp lý bảo vệ cho các nhân viên phải online sau giờ làm việc - một hình thức “làm thêm giờ vô hình” mà tòa án tối cao cho rằng cần được bồi thường.
Tuần trước, ông Lyu Guoquan - người đứng đầu văn phòng hiệp hội công đoàn thương mại Trung Quốc đã đề xuất với Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) rằng, nước này tạo ra một định nghĩa pháp lý là khung lương thưởng cho “làm thêm giờ online”.
Ông Lyu chia sẻ với Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương của Trung Quốc hôm 10/3 rằng, đề xuất trên đã được cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu nước này chấp nhận và nhiều cơ quan chính phủ khác sẽ bắt đầu cùng ông thảo luận về ý tưởng đó. Kết thúc cuộc họp thường niên kéo dài 1 tuần vào 10/3, CPPCC không độc lập xác nhận quyết định này.
Hôm 9/3, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Zhang Jun cũng đề cập đến tình trạng “làm thêm giờ vô hình” trong báo cáo công việc của mình gửi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC, tức Quốc hội) - cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc.
Nhiều người dân ở Trung Quốc phải trả lời tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm, xử lý công việc trên điện thoại ngay cả trong những ngày nghỉ. Ảnh minh họa
Tương tự nhiều quốc gia khác, việc người dân ở Trung Quốc trả lời tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat, xử lý công việc trên điện thoại của họ trong những ngày nghỉ ngày càng trở nên phổ biến.
Chánh án Zhang Jun nói với NPC rằng, các tòa án Trung Quốc đã đưa ra tiêu chuẩn về “làm thêm giờ vô hình” vào năm 2023. Theo Chánh án Zhang Jun, một người được coi là làm việc ngoài giờ nếu họ “đóng góp công sức lao động đáng kể” cho những công việc “được chứng min là tốn thời gian”. Định nghĩa này bao gồm việc phải online.
“Các tiêu chuẩn đảm bảo rằng nhân viên làm thêm giờ online được khen thưởng và thời gian nghỉ ngơi offline của họ được bảo vệ”, Chánh án Zhang Jun nói.
Các tòa án Trung Quốc đã cân nhắc một số vụ án liên quan đến trả tiền làm thêm giờ online trong những năm gần đây, trong đó có một vụ được Tòa án tối cao coi là hình mẫu.
Cụ thể, vụ việc liên quan đến anh Li - người đứng đầu nhóm sản xuất video ngắn. Theo thông tin chi tiết do Tòa án tối cao, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc và Liên đoàn Công đoàn Toàn Trung Quốc công bố, anh Li đã kiện người chủ vì không trả lương làm thêm giờ, sau khi anh bị sa thải vào năm 2020.
Một tòa án cấp dưới kết luận rằng, thời gian nghỉ mà anh Li dử dụng để trả lời tin nhắn công việc trên WeChat cũng nên được “xem xét” khi tính lương làm thêm giờ. Tuy nhiên, Tòa án tối cao thừa nhận rằng khoảng thời gian này “rải rác và khó tính toán cụ thể”.
Ông Lou Yu - Giám đốc Viện Luật xã hội thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc chia sẻ, rất có thể các quy định sẽ được xây dựng để quản lý việc làm thêm online. “Đây là một vấn đề lao động và việc làm nổi bật ở thời điểm hiện tại, đề xuất đã được các ngành khác nhau công nhận”, ông nói.
Theo thông tin trên South China Morning Post, sẽ phải mất ít nhất 2 năm để xây dựng quy định cấp bộ, thậm chí lâu hơn đối với một luật thuộc Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Một số người đã tỏ ra hoài nghi về những lợi ích trước mắt của các quy định này. Trong làn sóng bình luận dưới tin tức trên nền tảng mạng xã hội Weibo, một người viết: “Trước tiên chúng ta có thể áp dụng các quy định cho cuối tuần không?”.
“Pháp luật và thực thi là hai vấn đề khác nhau”, một người khác bình luận.
Đinh Kim (Theo SCMP)