Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc không giấu mưu đồ độc chiếm Biển Đông

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Mục đích của Trung Quốc là nhằm độc chiếm nguồn tài nguyên và nguồn sống của các quốc gia ven biển Đông, nên chắc chắn họ sẽ tiếp tục thực hiện bằng được mưu đồ này.

(ĐSPL) – Mục đích của Trung Quốc là nhằm độc chiếm nguồn tài nguyên và nguồn sống của các quốc gia ven biển Đông, nên chắc chắn họ sẽ tiếp tục thực hiện bằng được mưu đồ này.

TS Luật Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã nhận định như vậy trước động thái Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan HD 981 cùng nhiều tàu vào hoạt động tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

Tiếp sau những sự việc như cắt cáp tàu Bình Minh 02, công khai chào thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, việc Trung Quốc vừa qua lại đưa giàn khoan HD 981 và nhiều tàu hoạt động tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam cho thấy điều gì, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, tiếp theo một loạt các động thái của Trung Quốc được triển khai trên rất nhiều lĩnh vực về mặt truyền thông, về pháp lý, ngoại giao, kinh tế và các hoạt động trên thực tế trong thời gian gần đây, và bây giờ, họ bước thêm một bước mới rất trắng trợn và nguy hiểm, đó là đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 ra “tác nghiệp” tại Nam Hải, kèm theo đó là 1 thông báo chính thức, là kể từ ngày 2/5 đến ngày 15/8, giàn khoan HD 981 sẽ hoạt động tại tọa độ cụ thể, cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực giàn khoan HD 981 hoạt động… Suy cho cùng, đây cũng là kết quả logic của quá trình mà Trung Quốc đã triển khai đồng loạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

TS Trần Công Trục cho rằng, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Theo ông, tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để công bố việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Về thời điểm, lúc này trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các nước lớn như Mỹ, Nga đang tập trung vào vấn đề Ukraine, nên Biển Đông lúc này không còn là điểm nóng, không còn thu hút nhiều sự quan tâm, khả năng can thiệp của Mỹ vào biển Đông lúc này cũng là thấp, mặc dù Tổng thống Obama vừa đi thăm một số nước châu Á và có tuyên bố mạnh mẽ.

Vì thế, Trung Quốc đang lợi dụng thời điểm này để vừa thực hiện chính sách của mình, vừa tránh được búa rìu dư luận.

Mặt khác, ngay trong nội bộ nước này cũng đang có diễn biến phức tạp, tình hình khá bất ổn định, nên việc xúc tiến đưa giàn khoan ra Biển Đông có thể là giải pháp chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài. Qua đó có thể thấy Trung Quốc đã chọn một thời điểm thuận lợi nhất để hành động bằng phương thức có thể gọi là 1 cuộc xâm lược kinh tế, mà mục tiêu trước mắt là chiếm đoạt, vơ vét tài nguyên nằm trong các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven biển Đông.

Đã có nhận định cho rằng, hàng loạt sự việc vừa qua là những bước đi có tính toán cực kỳ thâm hiểm của Trung Quốc, ông có đồng ý với nhận định này?

Theo tôi, nhận định đó hoàn toàn chính xác. Có thể nói, việc thực hiện những bước đi này là sự tính toán, sắp xếp đầy mưu mô của Trung Quốc.

Đơn cử như việc Trung Quốc chọn vị trí đặt giàn khoan. Qua nghiên cứu, xác định trên bản đồ thì vị trí này nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam là 119 hải lý, cách ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nếu xác định một cách chi tiết, chuẩn xác thì vị trí này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, nhưng cũng có thể thấy rằng, đây là 1 vị trí khá nhạy cảm mà Trung Quốc đã cố tình lựa chọn để thực hiện chiến thuật bắn một mũi tên trúng hai đích.

Cái đích thứ nhất là khẳng định chủ quyền của họ đối với Tây Sa, thực hiện ý đồ cố tình áp dụng sai công ước Luật biển năm 1992.

Cái đích thứ hai là cố tình tạo ra vùng chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để áp đặt chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác, mà mục tiêu trước mắt là tranh giành việc khai thác nguồn tài nguyên vốn thuộc các vùng miền của các quốc gia ven Biển Đông.

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc trên biển Đông, tháng 5/2012. Ảnh: Xinhua.

Ông nhận định thế nào về phản ứng của Việt Nam trước tình hình này?

Sau khi được thông tin về sự kiện này, có thể nói Việt Nam đã nhanh chóng có những phản ứng đúng đắn. Đầu tiên là phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam, sau đó là công hàm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi phía Trung Quốc, tiếp đến là việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã điện đàm trực tiếp với đại diện phía Trung Quốc, nói rõ quan điểm của Việt Nam. Trong nội dung đó, tôi nghĩ phía chúng ta đã nói quá rõ ràng, chi tiết và mạnh mẽ về lập trường của chúng ta trước hành động phi pháp của Trung Quốc.

Đó là những giải pháp về mặt ngoại giao hết sức đúng đắn, đúng thủ tục và thông lệ quốc tế trước tình hình quyền lợi của đất nước bị uy hiếp.

Trong nội dung trao đổi của Phó Thủ tướng, chúng ta đã khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, chúng ta cũng sẵn sàng đàm phán, thương lượng để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

Và ông dự báo gì về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc với ý đồ độc chiếm biển Đông?

Theo logic mà nói, Trung Quốc đã triển khai việc này khá lâu, tuy nhiên họ lợi dụng nhiều thời điểm khác nhau, và tình hình quốc tế, khu vực khác nhau để áp dụng các phương thức khác nhau nhằm thực hiện mưu đồ của mình.

Lần này họ cũng đã tính đến nhiều yếu tố để đưa ra giải pháp tối ưu, họ không dùng vũ lực như một số lần trước mà dùng đến biện pháp kinh tế, nói cách khác, đây là 1 cuộc xâm lược về kinh tế. Với biện pháp này, nếu chúng ta không phân tích, không hiểu rõ sự nguy hiểm của nó thì nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng hành động của Trung Quốc là phù hợp với công ước quốc tế.

Nhưng thực chất, Trung Quốc đã tiến hành việc độc chiếm Biển Đông, mà chính là độc chiếm nguồn tài nguyên về dầu khí, hải sản, hàng hải, hàng không… và nguồn sống của các quốc gia ven biển Đông chứ không chỉ nhằm vào không gian có ý nghĩa về quân sự, chiến lược.

Và tôi cũng chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện bằng được mưu đồ này.

Bản đồ xác định vị trí giàn khoan HD-981 nằm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - Ảnh: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì và có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn những hành động tương tự?

Ngoài những việc đã làm, tôi nghĩ chúng ta nên đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Công tác truyền thông không chỉ hô những khẩu hiệu có tính chất nguyên tắc chung chung mà làm sao đó có được những phân tích hết sức khoa học dựa trên những quy định của công ước luật biển.

Chúng ta cũng phải khai thác thế mạnh của chúng ta về mặt pháp lý, ngoài chuyện đàm phán song phương, đa phương, đưa ra những vấn đề trong dư luận quốc tế, chúng ta phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể đưa sự việc ra các cơ quan tòa án quốc tế.

Bên cạnh đó, nếu không muốn bị cô lập, chúng ta cần hết sức chú trọng đến việc nói rõ quan điểm, lập trường chính nghĩa của mình để có thể tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THU

Tin nổi bật