Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc: Đại tham quan “3 nhiều” từ Phó thị trưởng Hàng Châu thành tử tù vì vợ sơ ý

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Lòng tham vô đáy của Cựu Phó thị trưởng Hàng Châu (Trung Quốc) Hứa Mại Vĩnh hay còn được biết đến với biệt danh “Hứa tam đa” (nhiều tiền, nhiều nhà và nhiều tình) bị lật tẩy bởi chính sự bất cẩn của vợ.

Đi lên từ khó khăn

Theo thông tin từ trang Baijiahao, Hứa Mại Vĩnh sinh năm 1959 ở thị trấn Đới Thôn, huyện Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cha của Hứa bị mù và có ba người con trai, do ảnh hưởng di truyền nên hai trong số đó cũng bị mù, chỉ người con cả Hứa Mại Vĩnh là có thị lực bình thường.

Trong nhà tuy có ba người mù, nhưng hoàn cảnh gia đình của Hứa Mại Vĩnh tương đối khá giả, đó là do cha Hứa là một thầy bói nổi tiếng trong vùng. Năm 1979, Hứa Mại Vĩnh thi đỗ vào Trường Sư phạm Tương Hồ tại huyện Tiêu Sơn. Sau khi tốt nghiệp, Hứa được phân công dạy môn vật lý tại một trường cấp 2 trên chính quê hương Tiêu Sơn.

Hứa Mại Vĩnh từng rất tự hào về quãng đời làm giáo viên của mình khi tâm sự: "Sau khi đi làm, tôi có công việc ổn định, được hưởng lương nhà nước, được thanh toán các chi phí y tế. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, rất tự hào và rất hài lòng với cuộc sống thoải mái của mình."

Hứa Mại Vĩnh từng là một giáo viên chân chất. Ảnh: Baidu

Hứa Mại Vĩnh đã làm việc rất chăm chỉ, được đồng nghiệp và học sinh khen ngợi. 3 năm sau, Hứa Mại Vĩnh, 25 tuổi, trở thành phó hiệu trưởng của trường cấp 2 này. Nhưng đây rõ ràng không phải là mục tiêu mà Hứa Mại Vĩnh theo đuổi, mà ông ta muốn tạo ra sự khác biệt trong chính trị.

Ngay sau khi trở thành phó hiệu trưởng, cơ hội đã đến, tháng 6/1984, Hứa Mại Vĩnh được điều động từ chức phó hiệu trưởng trường cấp 2 đến thị trấn Thành Tương thuộc huyện Tiêu Sơn làm phó thị trưởng, và anh chính thức bước vào chính trường. Bắt đầu từ phó thị trưởng thị trấn, Hứa lần lượt giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiêu Sơn, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Tiêu Sơn, Giám đốc Văn phòng Đảng ủy Tiêu Sơn...

Lòng tham vô đáy

Cùng với đà thăng chức, Hứa Mại Vĩnh cũng dần có sự chuyển biến về tâm lý. Năm 1989, Hứa với tư cách Chánh văn phòng quận ủy Tiêu Sơn, đã có chuyến thị sát cùng một số quan chức phụ trách kinh tế của thành ủy Hàng Châu.

Trong chuyến đi, ông ta cùng các quan chức ở khách sạn bốn sao, ăn những món ăn cao cấp, mỗi bữa ăn có giá từ 4.000 - 5.000 nhân dân tệ. Chi phí cho bữa ăn này thậm chí còn cao hơn cả tiền lương hàng năm của ông. Có lẽ cũng từ đó, Hứa Mại Vĩnh ta đã bị lợi ích tài chính làm mờ mắt và bắt đầu sử dụng quyền lực của mình để tích lũy tiền bạc, dấn thân vào con đường không lối thoát.

Theo Sohu, Hàng Châu từ lâu đã nổi tiếng là một trong những thành phố có giá nhà đất cao nhất Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Hứa Mại Vĩnh lợi dụng các chức vụ của mình để thu lợi bất chính "khủng khiếp", là một "hình mẫu" cho sự thông đồng giữa các quan chức chính phủ và các nhà phát triển bất động sản.

Điển hình là vào cuối năm 1998, Hứa Mại Vĩnh đã chỉ đạo nhà phát triển bất động sản Tiêu Sơn của ông chủ họ Cao cho Công ty Jingang vay hơn 14,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 49 tỷ đồng, theo tỷ giá hiện tại), thông qua 2 công ty con là Weiliang Hong Kong và Công ty TNHH May mặc Huili. Sau đó, Hứa và Cao sắp xếp để hai công ty con trên ký thỏa thuận hợp tác phát triển giả với Công ty Jingang, biến mối quan hệ cho vay thực tế giữa Công ty Jingang và hai công ty này thành quan hệ đầu tư.

Hứa Mại Vĩnh và ông chủ Cao đồng ý rằng lợi nhuận được chuyển từ Công ty Jingang sang hai công ty con trên sẽ thuộc về cá nhân vị quan họ Hứa. Tháng 5/2002, Hứa Mại Vĩnh sắp xếp để Công ty Jingang chuyển hơn 15 triệu nhân dân tệ lợi nhuận phát triển cho Công ty Huili. Số tiền này sau đó chảy vào túi Hứa với danh nghĩa tiền lãi đầu tư.

Một trong những biệt phủ của Hứa Mại Vĩnh. Ảnh: Sohu

Cũng trong năm này, quyền sử dụng mảnh đất hơn 40ha khuôn viên cũ của Đại học Khoa học và Công nghệ Chiết Giang đã được Tập đoàn Kunhe mua lại dưới sự “sát sao” của Hứa Mại Vĩnh, lúc đó là thị trưởng quận Tây Hồ. Để báo đáp, ông Lý, chủ tịch tập đoàn, đã "hoàn lại" 20 triệu nhân tệ (khoảng 67,1 tỷ đồng) cho Hứa.

Theo cáo trạng, từ tháng 5/1995 - 4/2009, Hứa Mại Vĩnh đã lợi dụng quyền lực để trục lợi cho các đơn vị, cá nhân có liên quan trong các vấn đề như nhận quyền sử dụng đất, hưởng chính sách ưu đãi về thuế, chuyển nhượng vốn dự án, ký hợp đồng dự án, giải quyết thanh toán dự án, giải quyết việc làm cho người thân...

Ngoài Lý và Cao kể trên, quan tham họ Hứa nhiều lần nhận tiền và đòi tiền từ 12 người khác, với tổng số tiền nhận hối lộ lên tới hơn 145,2 triệu nhân dân tệ (khoảng 487,5 tỷ đồng).

Một nhân viên cũ của Hứa Mại Vĩnh tiết lộ, khi nhậm chức Phó quận trưởng, kiêm quyền Quận trưởng Tây Hồ, ông này chỉ nhăm nhe việc phát triển đất đai, hạ tầng đô thị mà không quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội. "Không một mảnh đất nào được chuyển nhượng ở quận Tây Hồ mà không có bàn tay can thiệp của Hứa", người này nói.

Bại lộ vì vợ

Trên thực tế, việc nhận hối lộ, tham ô của Hứa Mại Vĩnh không che mắt được thiên hạ. Tuy nhiên, mỗi người biết chuyện đều tình nguyện giữ bí mật vì được chuyển tiền, không thì cũng là những người nằm trong nhóm lợi ích với vị quan tham.

Mãi cho đến tháng 4/2009, hành vi của Hứa Mại Vĩnh mới bại lộ. Theo đó, Phòng Quản lý Ngân hàng tỉnh Chiết Giang phát hiện tài khoản của một người phụ nữ họ Thích thường xuyên chuyển tiền qua lại hàng chục triệu nhân dân tệ giữa các ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Cuộc điều tra sau đó phát hiện chồng của Thích chính là Hứa Mại Vĩnh và Phó thị trưởng thành phố Hàng Châu ngay lập tức bị “song quy” (tạm giữ, ngưng chức để điều tra).

Lòng tham vô đáy của Hứa Mại Vĩnh bị sự sơ ý của vợ lật tẩy. Ảnh: Zhihu

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), kết quả điều tra sau đó cho thấy, ngoài việc nhận hối lộ tổng số tiền hơn 145 triệu nhân dân tệ kể trên, tham quan họ Hứa còn lạm dụng chức quyền biển thủ 53 triệu nhân dân tệ (khoảng 178 tỷ đồng), giúp các công ty “ruột” trốn khoản thuế đất tới 71 triệu nhân dân tệ (khoảng 238,37 tỷ đồng).

Cơ quan điều tra cũng xác minh có tổng cộng 25 căn nhà đứng tên vợ chồng Hứa Mại Vĩnh, bên trong chứa nhiều đồ vật đắt tiền cùng bộ sưu tập lớn thư pháp và tranh vẽ có giá trị cao.

Trong quá trình thẩm vấn, Hứa Mại Vĩnh còn khai nhận có quan hệ bất chính với nhiều nữ nhân viên và nữ công chức, phần lớn đều ở ngay trong ủy ban quận Tây Hồ. Thủ đoạn của Hứa là vờ tăng ca đến tối, để đèn trong văn phòng rồi bí mật chở các nữ thuộc cấp đến khách sạn rồi lại quay về nơi làm việc.

Theo lời khai, số người tình của quan tham họ Hứa lên tới hàng chục người, trong đó còn có nhiều nữ minh tinh và bà chủ doanh nghiệp địa phương. Có người thì hướng đến quyền lực trong tay Hứa, trong khi có người vì tiền mà chấp nhận làm "sugar baby".

Ngày 12/5/2011, Tòa án Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) tuyên án tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản đối với Hứa Mại Vĩnh vì các tội nhận hối lộ, tham ô, lạm dụng chức quyền. Hứa Mại Vĩnh chấp hành án vào ngày 19/7 cùng năm.

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật