Chiến khu Tây của quân đội Trung Quốc đã tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận đêm cho các đơn vị đóng gần biên giới với Ấn Độ làm quen với trang bị và vũ khí thế hệ mới, tờ South China Morning Post đưa tin.
Binh sĩ Trung Quốc huấn luyện với vũ khí hiện đại. Ảnh: www.81.cn
Giới lãnh đạo quân sự đã điều chỉnh lịch huấn luyện, yêu cầu binh sĩ đáp ứng các tiêu chuẩn mới cao hơn trong huấn luyện ở độ cao lớn, cũng như khả năng ứng phó với môi trường chiến đấu khó khăn hơn trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều thách thức tại khu vực lân cận.
Quân đội Trung Quốc cũng cho biết các hệ thống pháo phản lực phóng loạt PHL-11 sử dụng cỡ đạn 122 mm, triển khai trên gầm xe tải, đã được đưa tới quân khu Tân Cương.
Trước đó, theo SCMP, loại vũ khí này đã được triển khai tới cao nguyên Thanh Tạng - khu vực còn gần biên giới Ấn Độ hơn - để tham gia các cuộc tập trận bắn đạn thật.
Chuyên gia quân sự Chu Thần Minh cho biết PHL-11 có khả năng tấn công mục tiêu ở cự ly lên tới 50 km và có thể quét sạch một ụ pháo của đối thương chỉ trong vài giây.
Ông Chu nhấn mạnh rằng: “Việc thay thế các hệ thống trang bị và vũ khí ở Chiến khu Tây đã được đẩy nhanh trong những năm gần đây do căng thẳng với Ấn Độ về khu vực biên giới tranh chấp”.
Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây bao gồm các quân khu Tân Cương và Tây Tạng. Bộ chỉ huy này chịu trách nhiệm về an ninh dọc theo biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ.
Sau cuộc đụng độ năm 2017 với Ấn Độ trên cao nguyên Doklam, quân đội Trung Quốc bắt đầu xây dựng các trạm quan sát ở tầm cao, dọc theo biên giới trên dãy Himalaya.
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, các doanh nghiệp tư nhân đã tham gia hỗ trợ quân đội thích nghi với điều kiện tác chiến trên núi cao bằng cách áp dụng nhiều công nghệ mới để vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men và xây dựng các khu đồn trú chịu lạnh, cũng như triển khai các tiến bộ về quân y và máy bay không người lái.
Mộc Miên (T/h)