Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trong lòng có quê hương là có Tết

(DS&PL) -

Với những người Việt xa quê hương, chưa khi nào, trái tim của họ lại đau đáu hướng về gia đình, quê hương như mỗi khi Tết đến, xuân về…

Tết cổ truyền là dịp thiêng liêng với mỗi người Việt Nam, là dịp mọi người được quây quần bên nhau tạm biệt năm cũ và chuẩn bị đón chào một năm mới. Nhưng cũng có những người Việt sinh sống, làm việc ở nước ngoài, xa Tổ quốc, không thể về nước, về với gia đình đón năm mới. Họ đã làm gì trong thời khắc đó? Họ có đón Tết không? Cái Tết ở nơi xứ người có gì khác? Và họ - những người con xa xứ nghĩ gì về đất mẹ thân yêu?

Tết luôn ở trong trái tim mỗi người Việt

Ngô Phẩm Trần - Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài Việt, Kiều bào tại Đài Loan (Trung Quốc).

 

Tôi định cư ở Đài Loan (Trung Quốc). Bên này văn hóa có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên cách đón mừng năm mới mỗi nơi một khác. Ở đây không có không khí đậm nồng tình nghĩa như ở Việt Nam, không có truyền thống gói bánh chưng, bánh dày, mọi người đến nhà nhau chúc Tết…nên Tết ở lại bên này cảm giác buồn lắm, luôn man mác nhớ người thân, nhớ quê hương. Để vơi đi nỗi nhớ quê hương, mỗi năm Tết về tôi vẫn giữ văn hóa truyền thống chuẩn bị đĩa ngũ quả, mua bánh chưng, nấu mâm cơm Việt Nam cúng ông bà.

Trong nhiều năm trở lại đây, cộng đồng người Việt ở Đài Loan cũng ngày càng đông hơn, điều đó càng giúp cho việc chuẩn bị đón Tết Việt trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc mỗi năm đều tổ chức họp mặt Kiều bào nhân dịp Tết, tiệc cuối năm có đầy đủ các yếu tố văn hóa của Tết Việt và nhận được sự quan tâm đông đảo từ bà con người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây.

Khi sống ở nước ngoài cho dù thế nào tôi cũng không bao giờ quên mình là người Việt Nam. Làm gì tôi đều muốn khẳng định hình ảnh của Việt Nam trên đất khách và giữ gìn văn hóa Tết Việt cũng như đóng góp một phần trong chặng đường xây dựng hình ảnh Việt Nam ngày nay trên đất bạn.

Nguyễn Thị Nguyệt Linh (Du học sinh Việt Nam tại Brussel, Bỉ).

 

Tết là thời điểm mình cảm thấy nhớ nhà nhất. Bình thường cứ 23, 24 Tết là mình đã khăn gói đồ đạc phụ ba mẹ chuẩn bị Tết. Tuy nhiên, khi ra nước ngoài du học, dù rất muốn thì cũng khó để về nhà. Nơi đây, thiếu đi những chợ Tết với những thứ hoa mai, hoa cúc nở rộ, lại càng không có hương trầm. Buồn nhất là nơi đây thiếu mất Tết đoàn viên với gia đình. Tết đến nơi xứ người, ngay cả con người mạnh mẽ nhất cũng không thể tránh khỏi những giây phút chạnh lòng xúc động.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Tết luôn ở trong trái tim mỗi người Việt. Càng xa Tết mình mới càng thấy quý trọng những giá trị truyền thống của người Việt. Dù không ở quê hương, mấy đứa sinh viên tụi mình tụ tập lại, cùng nhau ăn Tết. Người cuốn nem, người đi rán, người ngâm miến, người cắt bánh chưng. Vừa chuẩn bị đồ ăn, vừa coi Táo Quân, thế là Tết nhen nhóm nở rộ trong lòng của tụi mình. Vẫn là những thứ bánh chưng, bánh tét truyền thống, con gà luộc rồi thêm đĩa xôi gấc, mâm trái cây; tụi mình đã ôm nỗi nhớ quê hương, rồi cùng nâng ly chúc nhau một năm mới với những điều tuyệt vời nhất. Tết người Việt ở nước ngoài tuy nhỏ nhưng vẫn ấm áp.

Trần Tú Duy (Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản).

 

Là người Việt Nam chắc chắn Tết cổ truyền đã trở thành một thứ gì đó rất thiêng liêng, ngấm vào mỗi con người chúng ta ngay từ nhỏ. Với tôi, ngày Tết là khoảnh khắc quây quần bên mâm cơm gia đình, người thân họ hàng, bạn bè có dịp được gặp gỡ nhau qua một năm đầy bận rộn. '

Đã 4 cái Tết mình xa quê hương Việt Nam, mỗi dịp xuân về là mình lại cảm thấy nhớ nhà hơn bao giờ hết, nhớ không khí Tết của Việt Nam và nhớ cái ấm áp của tình cảm quê hương, của sự đoàn viên. '

Ở Nhật Bản, nước bạn không đón Tết Nguyên đán như Việt Nam nên những ngày Tết, du học sinh như chúng mình vẫn phải đi làm, đi học như bình thường. Xen vào đó bạn bè cũng cố gắng tụ tập, nấu những món ăn cổ truyền ngày Tết để giúp mọi người vơi đi nỗi nhớ gia đình và chia sẻ tình cảm với nhau ở nơi xứ người.

Nơi phương xa, chúng tôi sẽ phấn đấu hết mình vì gia đình, vì quê hương đất nước, quyết không phụ lòng mong mỏi của gia đình và quê hương. Nhất định chúng tôi sẽ trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương ngay khi hoàn thành nhiệm vụ học tập. Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi.

Từ cảm hứng Tết đến tinh thần hướng về Tổ quốc

Lâm Việt Tùng - Chuyên gia tư vấn CNTT - Viễn thông cho Vodafone Ziggo, Kiều bào tại Hà Lan.

 

Sống xa quê hương rồi mới hiểu câu nói “nhớ cái hương vị Tết quê nhà”. Tôi nhớ cả nhà gói bánh, rồi quây quần bên nồi bánh chưng chờ phút Giao thừa. Mùi của những chiếc bánh chưng mới vớt ra, mùi thơm của các loại mứt gừng, mứt dừa, mùi củ hành muối chua, củ kiệu trong mâm cơm… Những hương vị giản dị nhưng gắn liền với biết bao ký ức của tôi vào ngày Tết.

Mọi năm đón Tết ở Hà Lan, thường tôi hay gói ít bánh chưng và bánh tét cho các cháu biết truyền thống của cha ông và nấu bằng nồi áp suất. Cộng đồng người Việt ở khắp nơi tại Hà Lan cũng sẽ tổ chức Tết và bao giờ cũng có ít nhất vài món ăn rất đặc chưng Việt Nam như bánh chưng, chả giò, xôi và nem rán. Có rất nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp này như ca hát, ngâm thơ, thi áo dài mừng xuân … Đây cũng là dịp mọi người gặp nhau hàn huyên, làm quen và kết nối mở rộng cộng đồng để giúp đỡ lẫn nhau và cùng hướng về đất nước.

Năm nay có một điều đặc biệt hơn là tôi và gia đình sẽ về Việt Nam ăn Tết. Đây là điều mong mỏi trong suốt mấy năm vừa qua nhưng do điều kiện dịch bệnh nên gia đình tôi chưa có dịp thực hiện. Tôi sẽ dành thời gian để giới thiệu cho các con của mình về văn hóa Việt, Tết Việt, tham gia các hoạt động đón Tết tại quê hương.

Tiến sĩ Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, Kiều bào tại Trung Quốc.

 

Mười mấy năm xa quê, khi mỗi độ xuân về thì nỗi nhớ quê hương càng da diết. Tôi nhớ hương rơm rạ phơi dưới cái nắng hè chói chang; nhớ mùi nước mắm, vị dưa chua, quả cà pháo, hay nồi cá kho tộ, nhớ cảnh sum vầy khi quanh nồi bánh chưng luộc chiều 30 Tết.

Tôi thèm lắm, giây phút Giao thừa bên gia đình người thân, thèm miếng bánh chưng nóng và mùi giò lụa quê nhà… Mỗi lần nghe ca khúc “Xuân xuân ơi xuân đã về” là mỗi lần tôi đặc biệt nhớ nhà, nghe mà muốn khóc. Năm nay, tôi đưa theo con gái nhỏ về nước từ rất sớm, vừa là cho bé tích luỹ thêm vốn tiếng Việt, vừa là về đón Tết cùng gia đình, anh em, bè bạn.

Người Việt chúng ta, dẫu ở bất cứ quốc gia nào, đều luôn đau đáu nhớ nhà, nhớ quê trong những ngày Tết đến xuân về. Ở Trung Quốc cũng vậy, tuy khoảng cách giữa các nơi là rất xa nhưng ở đâu đó, nếu gần nhau, các anh chị em sẽ hẹn đến nhà ai đó cùng nấu bánh chưng, gói giò, làm chả nem hay nộm rau muống; cùng hẹn đưa các con đi dã ngoại để chúng giao tiếp tiếng Việt tốt hơn. Ở đâu đó gần Đại sứ quán, các Tổng lãnh sứ quán, các anh chị em mình sẽ cùng quây quần về đó và có những cái Tết cộng đồng ý nghĩa hơn.

Kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc trong những năm qua luôn âm thầm yêu nước bằng những hành động thiết thực nhất. Chúng tôi yêu nước bằng việc thực hiện đề án 1797, bằng việc đưa những container hàng Việt qua đó, bằng việc luôn rất tự hào đi “chào” hàng nông sản Việt với doanh nghiệp nước bạn… Là một người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, chúng tôi đều hy vọng, trong một ngày không xa, trên những kệ hàng siêu thị ở Trung Quốc, hay trên bất cứ quốc gia nào, chúng ta đều tự hào khi nhìn thấy những bao bì hàng hoá thương hiệu MADE IN VIỆT NAM được đặt khắp mọi nơi…

Mạnh Quốc

Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

Tin nổi bật