Theo số liệu tại bệnh viện Phổi Trung Ương, số bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh đường hô hấp đã tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó (khoảng 300 bệnh nhân)...
Nhiệt độ có lúc xuống đến dưới 15 độ C trong những ngày vừa qua kèm không khí ô nhiễm đã khiến số người phải nhập viện do mắc các bệnh hô hấp như: Viêm phế quản cấp, viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... tăng mạnh.
Bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện Phổi TW tăng mạnh do trời rét. Ảnh: BV Phổi TW |
ThS.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính – Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, những khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột hoặc không khí ô nhiễm thì phổi, đường hô hấp chính là cơ quan bị tác động trực tiếp, dễ cảm nhiễm và hay bị bệnh nhất.
Đặc biệt, những người có sức đề kháng kém, tuổi cao, hoặc có bệnh mãn tính thì rất dễ xuất hiện các cơn cấp tính trong điều kiện thời tiết chuyển lạnh do virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền.
“Thời tiết thay đổi, có gió mùa, gió lạnh thì những người có các yếu tố như trên nên hạn chế ra ngoài đường. Nếu ra ngoài thì phải có biện pháp bảo vệ sức khỏe như giữ ấm, đeo khẩu trang. Đồng thời phải ăn uống điều độ, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng…”, bác sĩ Thành khuyến cáo.
Tương tự, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc trung tâm Hô hấp - bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh lý hô hấp rất hay gặp trong thời điểm thời tiết thay đổi bất thường. Lý do vì các loại virus, vi khuẩn gây bệnh luôn có sẵn trong cộng đồng và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Người già, trẻ em dễ mắc bệnh hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh. |
PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp từ 4 - 6 lần trong một năm. Trong các bệnh hô hấp trẻ hay mắc phải, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Khi phải thường xuyên dịch chuyển hoặc khi thay đổi thời tiết, cần chú ý một số điều sau để phòng và điều trị bệnh hô hấp:
Cần coi trọng cách phòng bệnh hô hấp mùa lạnh. Ảnh minh họa |
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân;
- Tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch;
- Tránh quạt máy, máy lạnh, tránh thức khuya. Ăn uống và thể dục điều độ.
- Vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;
Không nên hút thuốc lá, tránh uống nước lạnh, có đá. Tăng cường rau xanh và uống nhiều nước hoa quả;
- Khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà phải đi khám bệnh và được bác sĩ kê đơn thuốc. Việc làm này vừa tránh cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, lại vừa tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.
- Tiêm ngừa cúm vào đầu mùa lạnh, tiêm ngừa phế cầu cho đối tượng có nguy cơ giúp tăng sức đề kháng chung của cơ thể, để phòng chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp và nếu bị, thì sẽ mắc nhẹ hơn, thời gian nằm viện ít hơn.
Tiêm vắc xin ngừa cúm là cách phòng bệnh hô hấp hữu hiệu. |
- Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để diệt vi khuẩn có thể gây bệnh và làm sạch khoang mũi họng. Rửa tay bằng xà bông là biện pháp vô cùng hiệu quả để giảm lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ người này sang người khác.
Minh Khôi (T/h)