Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Triều Tiên: Tên lửa bắn đi, viện trợ nhận lại?

(DS&PL) -

Việc Triều Tiên rầm rộ phát triển chương trình vũ khí và liên tục gây hấn với hạt nhân lâu nay vẫn được thế giới xem là cách để nước này phô trương lực lượng. Tuy nhiên.

Việc Triều Tiên rầm rộ phát triển chương trình vũ khí và liên tục gây hấn với hạt nhân lâu nay vẫn được thế giới xem là cách để nước này phô trương lực lượng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng gọi đây là biện pháp “phòng thủ”. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nó còn có mục đích khác…

Theo một con số thống kê, trong 25 năm qua, Triều Tiên đã nhận được khoảng 20 tỷ USD viện trợ tiền mặt, thực phẩm, xăng dầu và thuốc men từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo Giáo sư Sung Yoon Lee, đại học Tufts, người từng đóng vai trò chuyên gia trong các buổi điều trần của Chính phủ Mỹ về chính sách Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng gây hấn là nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho nước Đông Bắc Á này.

Theo Giáo sư Lee, những quốc gia chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về hành vi gây hấn hạt nhân vẫn sẵn sàng chi những khoản viện trợ ngoại giao lớn, được xem là “ngoại giao kiểm soát thiệt hại” nhằm khiến Triều Tiên lùi bước trong chốc lát.

Theo chuyên gia, việc Triều Tiên phát triển tên lửa và hạt nhân có nhiều mục đích.

“Xuất khẩu sự bất an là một phương tiện để Bình Nhưỡng gặt hái được sự nhượng bộ”, ông Lee nhận định.

Bình Nhưỡng từng rất nhiều lần hứa hẹn sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hồi năm 2007, Triều Tiên nhất trí vô hiệu hóa tất cả các cơ sở hạt nhân của mình, để đổi lấy xăng dầu hoặc viện trợ kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, lời hứa này đã không được thực thi.

Mới đây, nước này cũng tuyên bố sẵn sàng đóng băng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa, nếu Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.

Ông Lee giải thích, Triều Tiên đi theo một chu kỳ mà trong đó nước này thường có những hành động gây hấn được tiếp nối bởi các cuộc đàm phán và sự nhượng bộ từ cộng đồng quốc tế. Giáo sư Lee dự báo: “Câu chuyện xưa cũ này sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần”.

Thời gian tới, Triều Tiên rất có thể sẽ duy trì chiến thuật này dưới thời chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người ủng hộ xích lại gần Bình Nhưỡng và viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

“Triều Tiên muốn dùng vũ khí hạt nhân của họ để có một vị thế tốt hơn cho việc giành viện trợ và “dọa” Hàn Quốc. Bình Nhưỡng sẽ gây sức ép đối với Chính phủ của Tổng thống Moon. Chu kỳ gây hấn-đàm phán-nhượng bộ sẽ tiếp tục”, ông Lee dự báo.

Vũ khí Triều Tiên thực sự phát triển đến mức nào vẫn là một ẩn số.

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, từ năm 1995-2008, nước này đã gửi 1,3 tỷ USD viện trợ không điều kiện cho Triều Tiên. Khoảng 60% số viện trợ này là lương thực, thực phẩm, phần còn lại là viện trợ nhiên liệu.

Gần đây hơn, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã gửi cho Triều Tiên 1 triệu USD viện trợ lương thực thông qua Liên Hiệp Quốc. Đợt viện trợ này diễn ra hồi tháng Một năm nay, trước khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Đây là đợt viện trợ nhân đạo đầu tiên của Mỹ cho Triều Tiên kể từ năm 2011, khi Washington viện trợ cho Triều Tiên 900.000 USD thông qua các tổ chức nhân đạo độc lập.

Tương tự Mỹ, Hàn Quốc cũng thường xuyên viện trợ cho Triều Tiên. Trong thời gian từ 1998-2007, Hàn Quốc viện trợ 7 tỷ USD cho Triều Tiên dưới dạng tiền mặt, thực phẩm, phân bón, thuốc men.

“Giảm căng thẳng và khiến Bình Nhưỡng lui lại đã trở thành tiêu chuẩn mà Seoul coi là thành công trong quan hệ liên Triều”, ông Lee nhận định.

Vào năm 2013, Seoul thông qua khoản 6 triệu USD viện trợ cho trẻ em Triều Tiên. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Moon tuyên bố sẵn sàng trả 6 triệu USD để giúp Triều Tiên thực hiện một cuộc điều tra dân số, theo báo chí Hàn Quốc.

Với Trung Quốc, từ năm 2003 đến nay, nước này đã cung cấp cho Triều Tiên số viện trợ trị giá từ 1-1,5 tỷ USD. Báo The Korea Times (Hàn Quốc) và cổng tin tức Aboluowang (Hồng Kông) hồi tháng Năm cho biết Trung Quốc và Triều Tiên bắt đầu hội đàm bí mật từ tháng Tám năm ngoái. Hai bên đã thảo luận về những điều khoản chi tiết, nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo đó, Triều Tiên được cho là đã ra điều kiện: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga phải viện trợ tài chính vô điều kiện cho nước này số tiền 600 tỷ USD/năm trong 10 năm tới. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân trong vòng 3 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận.

Ngay cả khi quan hệ Trung-Triều tỏ ra căng thẳng, Bắc Kinh vẫn cung cấp viện trợ cho Triều Tiên, nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình trong khu vực. Hơn bất kỳ ai, Bắc Kinh hiểu rằng, một cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên sẽ chỉ mang đến những bất lợi cho Trung Quốc. Nếu chiến tranh nổ ra ở nước láng giềng Triều Tiên, sẽ khó mà tránh khỏi sự gia tăng của quân đội Mỹ trong khu vực. Chưa kể, hàng triệu người tị nạn từ Triều Tiên sẽ vượt biên giới sang lãnh thổ Trung Quốc và gây nên áp lực lớn cho Bắc Kinh.


Tin nổi bật