Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Triệu tập nhóm người trong "phi vụ" ông Lưu Bình Nhưỡng nhận 300.000 USD tới tòa

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Theo kế hoạch, ngày 7/1, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và đồng phạm.

Ngày mai (7/1), Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình sẽ đưa các ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân và các bị cáo khác trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi ra xét xử sơ thẩm.

Trong đó, bị cáo Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", Thái Thụy, Thái Bình), bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản; Vũ Đăng Phương (Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do), bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản; Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và tội Cưỡng đoạt tài sản. 

Bị cáo Lê Thanh Vân, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội, bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước, bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Vụ án sẽ được xét xử công khai tại Hội trường xét xử Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình.

Ông Lưu Bình Nhưỡng có 3 luật sư bào chữa; ông Lê Thanh Vân có 4 luật sư bào chữa; Cường "quắt" và Vũ Đăng Phương đều có 1 luật sư bào chữa; cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Vương có 3 luật sư bào chữa.

Ông Lưu Bình Nhưỡng.

Trong vụ án, nhóm người từng đưa 300.000USD cho ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III được toà triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Những người này gồm anh Nguyễn Thế Mạnh (SN 1972, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh); Nguyễn Trọng Phong (SN 1977, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh); Nguyễn Văn Đức (SN 1984, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh).

Liên quan đến những cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình về vi phạm của các bị cáo tại Dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình triệu tập các anh Nguyễn Đức Sinh (SN 1978, TP.Hạ Long, Quảng Ninh), Trần Sỹ Thanh (SN 1967, Cầu Giấy, TP.Hà Nội) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Với dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hội đồng xét xử sơ thẩm triệu tập ông Vũ Thanh Toàn (SN 1965, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, TP.Hà Nội) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác mỏ cát tại khu vực biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Cường và Phương đã gây khó khăn, chặn lối vào bãi triều nhằm ép doanh nghiệp trả tiền theo khối lượng cát khai thác. Cường yêu cầu mức phí 1.500 đồng/m3 cát, tương đương 1,05 triệu đồng mỗi tàu. Không còn cách nào khác, Công ty Sao Đỏ buộc phải chấp nhận. 

Để che giấu hành vi, Cường ký hợp đồng làm bảo vệ cho Công ty Sao Đỏ. Từ tháng 9/2020 đến 12/2020, Công ty đã phải trả Cường 3,3 tỷ đồng. Trong quá trình khai thác, tàu của Công ty Sao Đỏ làm hư hỏng công trình trái phép tại bãi triều của băng nhóm Dũng "Chiến", dẫn đến nhiều vụ xung đột. Từ tháng 1/2021, do tình hình bất ổn, Công ty Sao Đỏ ngừng khai thác và ngừng trả tiền cho Cường.

Tháng 5 - 6/2021, Cường và Phương nhiều lần tìm đến nhà riêng của ông Nhưỡng để nhờ can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình. Cường thậm chí khoe rằng việc thu tiền bảo kê từ Công ty Sao Đỏ mỗi tháng mang lại 400-500 triệu đồng. Ông Nhưỡng đồng ý giúp và sau đó tham gia mua 30 ha bãi triều lấn chiếm trái phép từ Cường với giá 900 triệu đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình xác định, trên thực tế không có công ty nào khai thác nhưng để “tăng mối quan hệ” với ông Nhưỡng, Cường đã trích từ tiền cưỡng đoạt được để chi trả. Ngày 4/9/2021, Cường tiếp tục gọi điện, nhắn tin nhờ ông Nhưỡng can thiệp thêm vì liên tục bị nhóm xã hội đen cản trở việc bảo kê.

Để thuận lợi cho công việc làm ăn chung với Cường và giúp đỡ Cường không bị quấy rối khi đi bảo kê, ông Nhưỡng đã gọi điện cho cơ quan công an, cuộc gọi này được ông Nhưỡng ghi âm, sau đó gửi cho Cường nghe. Chưa dừng lại, ông Nhưỡng còn dẫn Cường đi cùng đến Đồn biên phòng, gặp chính quyền xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. Nhóm xã hội đen khác khi biết có ông Nhưỡng đứng sau Cường thì đã bỏ đi nơi khác. Cường sau đó thông báo cho Công ty Sao Đỏ đã dẹp yên chuyện bị quấy phá để Công ty này quay lại khai thác. 

Từ tháng 10/2021 đến 4/2022, Cường cùng đồng phạm đã cưỡng đoạt của Công ty Sao Đỏ hơn 1,3 tỷ đồng. Tháng 4/2022, Cường bị bắt về tội Gây rối trật tự công cộng nên các phần việc được Phương đảm nhận và thu thêm của Sao Đỏ 230 triệu đồng. Cơ quan chức năng xác định, số tiền Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của Công ty Sao Đỏ là 4,9 tỷ đồng (việc cưỡng đoạt 1,6 tỷ đồng từ 10/2021 đến 7/2022 có sự giúp sức của ông Nhưỡng).

Cơ quan truy tố tiếp tục cáo buộc, tháng 12/2020 và tháng 5/2021, bị can Nhưỡng lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công an TP.Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho anh Bùi Văn Thao (người làm của Cường). Hưởng lợi bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng và nhằm hưởng lợi 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng.

Ngày 15/3/2021, bị can Nhưỡng lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, can thiệp đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện Dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000USD.

Ngày 18/7/2019, ngày 1/10/2019, bị can Nhưỡng lấy tư cách là Đại biểu Quốc hội, ký 2 văn bản can thiệp yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36ha hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (Đông Anh, TP.Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có trị giá 1,95 tỷ đồng. 

Từ tháng 7 đến tháng 10/2023, bị can Nhưỡng thời điểm này là Phó trưởng Ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty cổ phần Trường Sinh được sớm cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 210 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Vân.

Với ông Lê Thanh Vân, theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2023, ông Lê Thanh Vân là đại biểu Quốc hội Khoá XIV, Khoá XV, Uỷ viên thường trực Uỷ ban ngân sách Quốc hội, mặc dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của Uỷ viên thường trực Uỷ ban ngân sách Quốc hội nhưng đã có các hành vi bị cáo buộc vi phạm. 

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, trong tháng 6, 7, 8, 12/2020, ông Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (Đông Anh, TP.Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng ở dự án này.

Tháng 7/2023, ông Vân đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp, để Công ty cổ phần Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.

Tin nổi bật