Thực hiện Chương trình GDPT 2018 là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành giáo dục diễn ra sáng nay (19/8).
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với đà tăng trưởng khá và nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, đây cũng là thời điểm toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như: thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Trước mục tiêu đặt ra ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, rất tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội.
Hội nghị nhằm đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm học mới.
Toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045", Bộ trưởng bày tỏ.
Theo đó, ngành giáo dục xác định, năm học 2024 - 2025 là năm học tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 với nhiểu giải pháp, nhiệm vụ lớn. Đây cũng là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình GDPT 2018.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin về những kết quả đạt được trong năm học 2023-2024.
Trong đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được các địa phương quan tâm với nhiều giải pháp tích cực để củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đến nay, cả nước có 100% đơn vị cấp tỉnh; 99,9% đơn vị cấp huyện và 99,95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được các địa phương quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học tại địa bàn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 tại hội nghị.
Năm học 2023 - 2024, tỉ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%; tỉ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 98,17%32.
Đặc biệt, về số lượng giáo viên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục (năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023- 2024 bổ sung 27.826 biên chế).
Đồng thời, năm học 2023 - 2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.
"Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông, tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 – 2023 và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông", ông Phạm Ngọc Thưởng cho hay.
Tuy nhiên, năm học vừa qua việc triển khai thực hiện dạy học các môn học tích hợp trong Chương trình GDPT 2018 như môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí, nội dung giáo dục địa phương; tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp... ở một số địa phương còn gặp khó khăn.
Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, giáo viên hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học.
Dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, một số địa phương còn chậm ban hành danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn
Việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định.