Dịch bệnh thủy đậu (dân gian gọi trái rạ) ở trẻ em thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Đây là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính, không có triệu chứng nặng nề. Tuy nhiên, bệnh rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc phỏng nước, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não... nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
“Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết”, VTC News dẫn lời ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo chia sẻ thêm, thủy đậu là bệnh dễ lây truyền tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.
Xử lý thế nào khi trẻ mắc thủy đậu?
Theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban trên da. Bệnh nhân mệt mỏi, sốt từ 37,8 độ C - 39,4 độ C.
Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, sau đó nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể. Lúc đầu ban có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vài giờ tới một vài ngày.
Phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5 - 10mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.
Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương rồi trở nên đục. Khi nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 - 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.
Ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày, trên mỗi vùng da có thể diễn ra tất cả các giai đoạn của ban, gồm dát sẩn, phỏng nước và vảy.
Với trẻ mắc bệnh thủy đậu, việc vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng. Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo cho biết, virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu.
Bệnh nhân có khả năng lây cho người khác khoảng 48 tiếng trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày), cho đến khi ban đóng vảy.
Nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm. Bên cạnh đó, giữ cho phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.
Trong trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10 - 15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, kết hợp chườm ấm. Lưu ý, khi chườm ấm cho trẻ thủy đậu, cần dùng nước ấm tan giá (không quá ấm nóng) để tránh gây vỡ, bỏng rát các phỏng nước trên cơ thể.
Nếu trẻ có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì thì cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Trẻ mắc thủy đậu có nên kiêng tắm?
Báo Tin Tức dẫn thông tin từ các bác sĩ cho biết, với trẻ mắc bệnh thủy đậu, việc vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng, không nên kiêng tắm, kiêng nước như truyền miệng.
Ý kiến cho rằng mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió, không nên tắm cho trẻ là chưa đúng. Khi trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da cho trẻ đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ nặng hơn.
Cách vệ sinh hàng ngày cho trẻ mắc bệnh thủy đậu như sau:
- Vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng cho trẻ hàng ngày từ 2 - 3 lần bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm.
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm đun sôi để nguội, chú ý hạn chế dùng xà phòng tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc.
- Vệ sinh thân thể cho trẻ bằng cách cho trẻ vào chậu nước, lấy tay té nước lên người nhẹ nhàng, dùng khăn xô mềm vỗ nhẹ lên các vùng da để làm sạch, không cọ xát mạnh gây vỡ nốt phỏng.
- Sau khi tắm xong, dùng khăn xô hoặc khăn loại chất coton dễ thấm, thấm nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát và có thể bôi xanh methylen, để sát khuẩn da cho trẻ.
- Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt thủy đậu, gây nhiễm trùng.
Bên cạnh việc vệ sinh, cha mẹ chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, không ăn kiêng. Nếu trẻ bị đau miệng thì có thể cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống sữa, ăn cháo. Trong trường hợp trẻ đang bú mẹ, mẹ vẫn cho con bú bình thường.
Đinh Kim (T/h)