Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trải nghiệm “lò thi” chứng chỉ thẩm mỹ (Kỳ 1): "3 không" đi thi và buổi sát hạch 10 phút

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Chỉ cần bỏ ra số tiền hơn 1 triệu đồng, cùng vài thao tác vụng về đơn giản, sau một tuần những người chưa biết gì về thẩm mỹ cũng sẽ có chứng chỉ an toàn y tế “hàng thật, giá thật” nằm gọn trong tay.

LTS: Dù cho không học, không thi và đặc biệt là không ngại chi tiền thì ai cũng có thể cầm trong tay bất cứ loại chứng chỉ hành nghề nào trong lĩnh vực thẩm mỹ tùy theo yêu cầu. Những tấm chứng chỉ “hàng thật, giá thật” được chuyển đến tận tay người có nhu cầu khiến PV cảm giác như đang đi chợ lựa bằng thỏa thích.

Chứng chỉ giá rẻ

Không phải theo học bất kỳ một khóa đào tạo nào, chỉ cần bỏ ra từ 1 - 2 triệu đồng là có thể sở hữu một tấm chứng chỉ “xịn” để hành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Nếu quy chiếu theo mức giá này thì có lẽ ai cũng có thể mở spa, làm đủ các dịch vụ từ phun xăm thẩm mỹ, tiêm filler… sau một đêm chỉ cần người đó chịu chi và “dám liều” đùa giỡn với sức khỏe của khách hàng.

Những bài viết đăng tìm người thi chứng chỉ mở spa như vậy đang tràn lan công khai trên mạng xã hội. Chỉ cần một cú click chuột tìm kiếm, cả loạt kết quả hiện ra với “muôn hình vạn trạng”. Để tăng độ nguy hiểm, những bài quảng cáo này còn kèm theo lời đe dọa, nếu các cơ sở làm đẹp không làm sớm sẽ rất dễ bị cơ quan chức năng đến kiểm tra.

Nhan nhản những bài đăng "thi" lấy chứng chỉ thẩm mỹ trên mạng xã hội.

Trong vai một người có nhu cầu, PV Đời sống và Pháp luật đã thâm nhập một đường dây chuyên cung cấp chứng chỉ uy tín cho các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, với nơi cấp chứng chỉ được quảng cáo “có nguồn” từ trường Trung cấp công nghệ và du lịch Hà Nội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội. Theo như lời giới thiệu, đây là ngôi trường đào tạo thẩm mỹ uy tín và có sức ảnh hưởng lớn ở miền Bắc.

Mức giá mỗi loại chứng chỉ được quy định cụ thể. Thậm chí, có cả lệ phí cho việc thi hộ nếu vắng mặt.

Sau cú điện thoại ngắn gọn, nhóm PV đã kết nối được với bà O. – tự xưng là nhân viên của trường Trung cấp Công nghệ và Du lịch Hà Nội. Theo lời bà O., để cấp các loại chứng chỉ cho các spa rất đơn giản, chỉ cần nộp hồ sơ và có mặt vào ngày thi là “đỗ” và khẳng định không phải tham gia bất kì khóa học nào. Giá chứng chỉ sẽ dao động từ 1 triệu đến hơn 2 triệu đồng, trường hợp không thể đến, người này sẽ hỗ trợ dịch vụ thi hộ với giá 200.000 đồng/1 người.

Với những lời có cánh hấp dẫn người có nhu cầu, PV tỏ ý muốn được cấp chứng chỉ về an toàn y tế, ngay lập tức, bà O. đồng ý và yêu cầu cung cấp ảnh 3x4, căn cước công dân photo công chứng, cùng 1,4 triệu đồng là tiền lệ phí thi.

Đúng như lời giới thiệu của bà O., sau khi nộp số tiền 1,4 triệu đồng để thi, PV Đời sống & Pháp luât ngay lập tức được sắp xếp lịch thi vào sáng ngày 12/9 dù không biết bất cứ thao thác hay kiến thức nào liên quan tới kỳ thi chứng chỉ mình sắp tham gia.

Những thông tin khẳng định việc đảm bảo qua hết kỳ thi sát sạch dù không học.

Giám sát “thi hộ” học viên

Đúng 8h30 ngày 12/9, nhóm PV có mặt tại địa điểm thi là spa “Chị Mắt To” nằm trên con phố Bà Triệu (quận Hà Đông, TP.Hà Nội).

Tại đây, chúng tôi được 1 người phụ nữ tên Lê Thị Hợp (giới thiệu là giáo viên của trường) đón và hướng dẫn. Khi thấy “học viên” ngỡ ngàng trước điểm thi không phải trường Trung cấp Công nghệ và Du lịch Hà Nội, bà Hợp liền lên tiếng giải thích đây là cơ sở được liên kết với trường và nhấn mạnh, dù thi ở đâu thì chứng chỉ vẫn do trường Trung cấp Công nghệ và Du lịch Hà Nội thuộc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Nội cấp.

Người phụ nữ tên Lê Thị Hợp tiếp đón dẫn các thí sinh vào phòng thi.

Vì trường chỉ tổ chức thi cấp chứng chỉ mỗi tháng một lần vào đầu tháng, chính vì thế, học viên muốn có chứng chỉ luôn trong tháng, nhà trường phải gửi đi thi "chui" ở các cơ sở đào tạo mới làm được chứng chỉ, bà Hợp nhấn mạnh.

Cũng theo lời giáo viên này, dưới dạng thi liên kết cơ sở như vậy, trường tổ chức được nhiều nơi tại Hà Nội, thậm chí cả ở trong Nghệ An cũng có lớp thi. Vừa nói, người này vừa mở ảnh ra khoe cơ sở vật chất và con số “khủng” về số học viên đăng ký thi cho PV.

Trong cuộc trò chuyện ngắn với bà H., khi PV bày tỏ lo ngại rằng chưa học qua lớp đào tạo nghề nào thì có thi chứng chỉ được không thì nhận được câu khẳng định chắc nịch: “Yên tâm có chị đây rồi, đơn giản lắm, cứ làm theo chị hướng dẫn là được”.

Khoảng 15 phút sau, chúng tôi được gọi vào “phòng thi”. Buổi thi vô cùng nhốn nháo, bên trong là những thí sinh thi chứng chỉ phun, thêu, xăm, nối mi hay chứng nhận bồi dưỡng y tế công cộng…ngồi lẫn lộn.

Tại đây, bà Lê Thị Hợp đứng lên đọc Quyết định về việc thành lập hội đồng tổ chức kiểm tra tay nghề. Theo quyết định Hội đồng gồm các thành phần: Ông Nguyễn Quốc Cường – Trưởng ban, bà Lê Thị Hợp – Thư kí, bà Lê Thị Thùy Dung – Giám sát coi thi và bà Đặng Thị Mỹ Linh cùng bà Lê Thị Tố Uyên –  cán bộ coi thi. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại buổi thi chỉ thấy bà Lê Thị Hợp và bà Lê Thị Thùy Dung có mặt.

Sau khi đọc quyết định, các học viên dự thi được bà Lê Thị Hợp phát đề kèm luôn đáp án. Các học viên chỉ việc chép lại hoặc khoanh theo đúng đáp áp đã được bà Hợp đính kèm cùng đề thi trước đó.

Cả quá trình PV dự thi, không hề gặp bất kỳ một khó khăn gì từ giám sát coi thi. Không những thế, giám sát coi thi Lê Thị Thùy Dung còn ngồi xuống làm bài thi cho một học viên không có mặt công khai. Chưa đầy 10 phút, buổi thi kết thúc.

Giám thị Lê Thị Thùy Dung còn ngồi xuống làm bài thi cho một học viên không có mặt công khai

Khi PV đặt câu hỏi có cần kiểm tra phần thực hành không, bà Hợp khằng định không cần cùng lời hứa hẹn một tuần sẽ có chứng chỉ và có thể “an tâm hành nghề”.

(còn nữa..)

Nhóm PV

Tin nổi bật