Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM thử nghiệm làn đường ưu tiên cho xe buýt: Loay hoay bài toán “tách - nhập”, chống ùn tắc giao thông vẫn là phần ngọn?

(DS&PL) -

Dự kiến cuối năm 2019, TP.HCM sẽ thử nghiệm làn đường dành riêng cho xe buýt ở hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu.

Dự kiến cuối năm 2019, TP.HCM sẽ thử nghiệm làn đường dành riêng cho xe buýt ở hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu. Đề án sẽ được chạy thử nghiệm, mô phỏng trước khi lấy ý kiến rộng rãi và đưa vào thí điểm. Tuy nhiên, việc lựa chọn 2 tuyến đường này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Ưu ái cho xe buýt để không bị... “ghẻ lạnh”

Mới đây, đại diện trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, đơn vị này đang phối hợp với trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn để tiến hành chạy thử nghiệm mô phỏng giao thông khi đưa vào triển khai làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ, quận 1 và Võ Thị Sáu, quận 3.

Theo đề án, làn đường ưu tiên xe buýt sẽ được thí điểm tổ chức từ đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) đến vòng xoay Lý Thái Tổ (quận 3), chiều dài 3,6km. Một khu vực khác có chiều dài 2,2km là từ đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) đến vòng xoay Dân Chủ trên đường Võ Thị Sáu (quận 3). Thời gian ưu tiên cho xe buýt là 2 tiếng trong giờ cao điểm buổi sáng và 3 tiếng vào giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng kết hợp với dải phân cách mềm. Ngoài xe buýt, những phương tiện khác như xe công an, xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên cũng được lưu thông vào làn đường dành cho xe buýt.

Giao thông tại TP.HCM đang bế tắc vì mặt đường không đáp ứng nổi số lượng phương tiện không ngừng gia tăng.

Dựa trên những số liệu khảo sát chi tiết thực tế, việc thử nghiệm mô hình sẽ giúp định hình, đánh giá tác động giao thông cụ thể và xác định tính khả thi của đề án xây dựng làn ưu tiên xe buýt tại TP.HCM. Sau khi hoàn thành chạy thử mô hình, trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM sẽ đưa ra kịch bản tổ chức giao thông hợp lý nhất. Đây cũng là cơ sở để hoàn thiện báo cáo gửi hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP để được góp ý, rồi trình UBND TP xem xét và thực hiện các bước tiếp theo.

Song song với việc tiến hành nghiên cứu triển khai làn đường ưu tiên cho xe buýt, sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng vừa trình UBND TP đề án triển khai thí điểm sử dụng xe đạp công cộng hỗ trợ đưa khách từ nhà trong các ngõ, hẻm ra tới trạm xe buýt. Theo đó, khoảng 800 xe đạp công cộng sẽ được bố trí tại khoảng 80 vị trí bãi đỗ tại quận 1, ưu tiên trên trục hai tuyến đường triển khai làn ưu tiên cho xe buýt. Bên cạnh đó, hệ thống nhà chờ, trạm dừng cũng sẽ được chỉnh trang, ưu tiên sử dụng vé điện tử thông minh. “

Tuy có nhiều quan điểm nhưng đầu tiên cần xác định rõ mục tiêu. Hiện nay, xe buýt bị “ghẻ lạnh” vì tốc độ chậm, thời gian di chuyển kéo dài. Phương tiện cá nhân chiếm dụng quá nhiều diện tích đường, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ. Việc bố trí đường dành riêng cho xe buýt ở những tuyến đường có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc để người dân thấy ngay được hiệu quả trong việc tăng tốc độ di chuyển của xe buýt. Từ đó góp phần thúc đẩy họ sử dụng xe buýt nhiều hơn. Làn ưu tiên cho xe buýt khi đưa vào thí điểm không chỉ với mục tiêu duy nhất là cải thiện tốc độ cho xe buýt mà còn phải để người dân thấy được nhiều dịch vụ cùng tham gia để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng bởi sự tiện lợi, nhiều tiện ích”, ông Trần Chí Trung, Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết.

Lo ngại xe máy lấn làn ưu tiên

Đề án đang vấp phải tranh cãi giữa hai luồng quan điểm. Một bên cho rằng Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu là hai tuyến đường có mật độ phương tiện rất lớn, việc dành riêng làn ưu tiên cho xe buýt không những chưa thể thu hút người dân mà còn nguy cơ tăng ùn tắc, dẫn đến thí điểm thất bại, gây phản cảm, khó để triển khai nhân rộng tại các tuyến đường khác.

Anh Đào Văn Hùng (tài xế taxi, ngụ quận 4) băn khoăn khi lộ trình các tuyến kết nối còn kém. “Ví dụ, khi tôi muốn trở về quận Bình Thạnh thì phải đi bộ ra đường Điện Biên Phủ hoặc phải lựa chọn một phương tiện khác, như vậy sẽ tốn kém và mất thời gian. Bên cạnh đó, làn đường ưu tiên này nếu chỉ dùng vạch chỉ đường để phân cách thì có khả năng xe máy, các phương tiện khác sẽ lấn làn. Trường hợp lực lượng chức năng xử lý các phương tiện cố tình lấn làn cũng gây nên tình trạng kẹt xe cục bộ. Vì vậy, sở GTVT cần xem xét những tuyến đường khác có đủ diện tích mặt đường, thông thoáng để làm thí điểm trước”.

Bên cạnh đó, hầu hết đơn vị vận tải xe buýt tại TP.HCM đều cho rằng, việc bố trí làn ưu tiên cho xe buýt là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Theo lãnh đạo hợp tác xã Vận tải 19/5, hiện các tuyến xe buýt do đơn vị đảm nhận có lộ trình lưu thông ở khu vực trung tâm hoặc cận trung tâm thành phố đều bị chậm giờ, thậm chí mất chuyến mà nguyên nhân chính là vì kẹt xe.

“Các tuyến xe bảo đảm được thời gian chủ yếu hoạt động ở một số quận, huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè..., nhờ đường thông thoáng nhưng nhu cầu đi lại không cao. Còn các tuyến chạy gần trung tâm hoặc trung tâm thành phố, lượng khách nhiều và tập trung trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, ở khung thời gian này, hầu hết các tuyến đường lại bị kẹt xe, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hoạt động của xe buýt. Vì vậy, nhiều người dù có nhu cầu sử dụng xe buýt nhưng đành chuyển qua phương tiện cá nhân”, đại diện HTX Vận tải 19/5 cho hay.

Nan giải vì xe cộ “làm khổ” đường phố

Trong khi đó, nhiều nhà khoa học khẳng định xe buýt phải được chạy ưu tiên, có làn đường riêng, tách khỏi dòng xe cá nhân thì mới có thể hoạt động hiệu quả và phát triển. Nếu thí điểm ở các làn đường rộng, lưu lượng thoáng, ít xe cộ thì không cần ưu tiên xe buýt vẫn có thể chạy được. Tuyến đường càng huyết mạch, càng đông đúc thì càng cần làm phép thử.

PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, trường đại học Bách khoa TP.HCM đánh giá: “Trong bối cảnh xe buýt được xem là chủ lực của hệ thống giao thông công cộng tại TP nhưng lại đang phải “bơi” giữa dòng xe máy, ôtô cá nhân nên rất khó phát triển. Việc bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt là rất cần thiết. Ban đầu có thể phải đối mặt với sự phản ứng hoặc chưa thực sự thành công như kỳ vọng. Nhưng theo định hướng lâu dài, nếu không quyết tâm mà chỉ lo ngại sẽ không thể làm được. Tuy nhiên, việc thực hiện không phải bất chấp mà phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, ưu tiên vấn đề gì trước, vấn đề gì sau. Hơn nữa, cần truyền thông, phân tích cụ thể để người dân và dư luận hiểu về định hướng, sự cần thiết của giải pháp”.

Góp tiếng nói về đề án, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, nếu xây dựng làn đường dành riêng cho xe buýt mà không xây dựng thêm đường mới thì sẽ dẫn đến ùn tắc cục bộ. Bởi bao nhiêu năm nay bề mặt đường không có sự thay đổi, trong khi lượng phương tiện giao thông thì tăng lên gấp bội.

“Xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt là phương án để phát triển giao thông công cộng, là cơ sở để hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, để làm được điều này thì hội đồng tư vấn giao thông đô thị cần phải khảo sát lượng xe cộ, mật độ, số lượng hành khách đi xe buýt để xây dựng làn xe ưu tiên này. Trường hợp đề án này thất bại thì Nhà nước phải tính toán phương án mở rộng đường vì các sở, ngành đã làm hết cách”, ông Cương nhìn nhận.

Cần lời đáp cho phương án tổng thể

Chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ, việc xây dựng một làn đường dành riêng cho xe buýt đã được thực hiện thành công tại một số quốc gia khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam muốn thực hiện được thì còn phụ thuộc vào cách tổ chức của cơ quan quản lý giao thông. Vấn đề đường nhỏ, hẹp chỉ là một phần nhỏ trong việc xây dựng làn đường ưu tiên và có thể khắc phục được. “Tuy nhiên, sau khi đi hết tuyến đường Võ Thị Sáu hay Điện Biên Phủ thì người dân có thể lựa chọn các tuyến đường nào để tiếp tục lộ trình vừa nhanh, vừa tiện lợi như thế? Nếu làm được điều đó, người dân sẽ sẵn sàng bỏ xe cá nhân để sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Điều quan trọng là bài toán tổng thể, chi tiết để người dân thấy và ủng hộ, thay vì chỉ đưa ra hai tuyến đường riêng lẻ. Bởi có nhanh đi chăng nữa thì chạy hết hai tuyến đường này cũng phải dừng lại vì không có tuyến xe kết nối”, ông Sơn nêu quan điểm.

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 172

Tin nổi bật