Trước tình hình tỉ lệ ngân sách được giữ lại không đủ bù đắp nguồn chi cho đầu tư phát triển, TP.HCM đang có chủ trương kiến nghị Trung ương tăng tỉ lệ điều tiết theo lộ trình. Đây được xem là bước đi hợp lòng người dân địa phương trong bối cảnh hàng loạt dự án giao thông, y tế, giáo dục,...loay hoay vì thiếu vốn ngân sách.
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX, trong tờ trình về vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, để đảm bảo mức dư nợ giai đoạn 2024-2025 của thành phố trong hạn mức cho phép, đủ điều kiện triển khai dự án đầu tư, UBND TP.HCM đã đề xuất 3 phương án. Trong đó, có phương án kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2025 là 24%.
Đến giai đoạn từ năm 2026-2030, đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết lên 33%. Hai mức đề xuất này đều cao hơn so với tỉ lệ điều tiết ngân sách mà TP.HCM hiện được hưởng là 18%.
Hạ tầng giao thông của TP.HCM vẫn loay hoay với vấn nạn kẹt xe |
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, tỉ lệ điều tiết ngân sách hiện nay của Trung ương cho TP.HCM ở mức 18% là thuộc nhóm thấp, thậm chí là thấp nhất thế giới. “Tỉ lệ ngân sách được giữ lại của các thành phố, siêu đô thị trên thế giới trong khoảng 30 – 60%. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản được giữ lại 30% tổng thu ngân sách. Con số này của thành phố Oslo của Na Uy là 60%. Trong khi đó, TP.HCM chỉ được giữ lại có 18% là cực kỳ thấp, mặc dù quy mô nền kinh tế của địa phương đã đạt mức gần 60 tỷ USD. Tuy nhiên, TP.HCM muốn giữ lại 33% tổng ngân sách như năm 2003 thì phải có lộ trình để báo cáo Trung ương xem xét”, ông Phong nói.
Cùng chia sẻ về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phân tích, bản chất của đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là nhằm tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, từ đó đem lại hiệu quả cao nhất. Chính quyền TP.HCM sẽ có kế hoạch làm việc với ban Kinh tế Trung ương. Bởi lẽ, TP.HCM có trách nhiệm sử dụng hiệu quả nguồn lực Trung ương điều tiết lại để chăm lo lại cho các địa phương khác theo tinh thần “TP.HCM cùng cả nước, vì cả nước”.
Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo triển khai xây dựng đề cương chi tiết, đề xuất tiến độ tăng tỉ lệ để lại tổng thu ngân sách cho thành phố từ mức 18% như hiện nay lên 33% theo lộ trình 10 năm.
Được biết trong năm 2019, TP.HCM có tổng thu ngân sách 412.474 tỷ đồng, đạt 103,34% dự toán và tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM chỉ được điều tiết trở lại 18% trên mức tổng thu nói trên.
Tham gia thảo luận về vấn đề này, đại biểu HĐND TP.HCM Phạm Hiếu Nghĩa đánh giá, kết quả thu ngân sách trong năm 2019 là rất ấn tượng. Tuy nhiên, các nguồn thu không bền vững, chỉ mang tính chất cơ hội. Vì vậy, đại biểu Nghĩa đề nghị cần có đánh giá, phân tích cụ thể về các nguồn thu này, nhất là nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, từ dầu thô. Thông qua đó mới có thể đánh giá được liệu TP.HCM có thể thực hiện được nhiệm vụ thu ngân sách của năm 2020 hay không vì dự toán là 405.828 tỷ đồng.
Một số cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về tình hình ngân sách của TP.HCM, lo ngại quá trình tái đầu tư của thành phố sẽ bị ảnh hưởng. Cử tri Nguyễn Kim Tường Vy (giáo viên, quận 11) cho rằng: “Mỗi năm hàng trăm ngàn sinh viên về TP.HCM nhập học, riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có hơn 250.000 người, chưa kể là lao động vãng lai. Mỗi năm xây thêm gần 15.000 phòng học nhưng vẫn thiếu, 50 học sinh/ lớp là chuyện thường. Tất cả đang tạo áp lực xã hội lớn đến TP.HCM”.
Còn cử tri Võ Tuấn Anh (luật sư, quận Phú Nhuận) nêu ý kiến: “Các vấn đề an sinh xã hội như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, quá tải bệnh viện,... khiến người dân TP.HCM “sống chung với lũ” suốt nhiều năm qua. Ngoài năng lực quản lý, nguyên nhân của các vấn đề này là do địa phương thiếu vốn ngân sách, không đủ nguồn lực đầu tư nên khó khăn tích tụ dần...”.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tỉ lệ thu ngân sách được giữ lại không hợp lý sẽ khiến TP.HCM có thể tụt hậu xa so với các đô thị cạnh tranh, trong khi kết cấu hạ tầng lại đang yếu kém và quá tải. PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng bộ môn Tài chính công (khoa Tài chính công, đại học Kinh tế TP.HCM) đánh giá: “Nếu ví TP.HCM như “người con có thu nhập cao nhất trong nhà” và có trách nhiệm lo lắng cho các địa phương khác thì việc thu nhiều, nộp lại nhiều cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhu cầu chi của TP.HCM đang rất lớn thì tỉ lệ 18% có thể kéo giảm tốc độ phát triển của thành phố năng động nhất cả nước”.
Phân tích thêm, ông Thắng chỉ ra, nếu so sánh với các đô thị phát triển khác trong nước như Hà Nội hay Đà Nẵng, mức thu của các địa phương này không cao bằng TP.HCM nhưng tỉ lệ được giữ lại cao hơn. Trong khi xét về cơ sở hạ tầng chung thì TP.HCM hiện tại không thể sánh bằng các đô thị này. “So với số thu và hạ tầng của TP.HCM, mức giữ lại chưa tương xứng. Mỗi năm có khoảng một trăm ngàn lượt người đến TP.HCM làm việc, sinh sống. Lượng người tăng lên thì áp lực đối với các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, đường, trường, bệnh viện, vấn đề vệ sinh môi trường... cũng từ đó tăng lên, trong khi ngân sách “teo tóp” lại. Vậy lấy đâu tiền để giải quyết những vấn đề này?”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, hiện các địa phương thu ngân sách cao, đang bị điều chuyển ngân sách về Trung ương. Chính vì thế, họ cũng không có động lực thu ngân sách lớn như trước, điều này lý giải tại sao tốc độ thu ngân sách của Hà Nội, TP. HCM - hai trung tâm kinh tế đất nước không cao hơn mức trung bình cả nước.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đang có sự mất cân đối và thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương suốt nhiều thập kỷ qua. Nguyên nhân trực tiếp là do mức độ tập trung kinh tế quá lớn vào một số trung tâm và khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các tỉnh thành, vùng miền quá lớn.
“Gánh nặng thu ngân sách Nhà nước hiện đang dồn lên một số tỉnh thành, trong khi đại đa số tỉnh còn lại vẫn giậm chân tại chỗ ở tình trạng nông nghiệp kém phát triển hay khai thác tài nguyên thô, chưa phát hiện và khai thác được tiềm năng. Việc phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương còn bất cập khi chưa khuyến khích tính chủ động của đại đa số tỉnh trong thu chi, để giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, cơ cấu phân bổ ngân sách hiện nay không chỉ làm suy giảm động lực và điều kiện tăng thu của một số địa phương, mà còn chưa nuôi dưỡng nguồn thu cho một số ít tỉnh thành có khả năng tự cân đối ngân sách”, ông Ánh nhận định.
Đồng quan điểm, GS.Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhận xét, việc phân cấp ngân sách có nhiều điểm chưa hợp lý đã trở thành câu chuyện muôn thuở. Song, những giải pháp đưa ra lại chưa mang tính tổng thể, đề nghị cần tái cơ cấu thu chi ngân sách chứ ngân sách không thể phân bổ theo kiểu “tình thương”.
“Tôi ủng hộ TP.HCM là phải san sẻ. Nhưng đầu tàu kinh tế cả nước mà được giữ lại quá ít ngân sách thì sẽ rất khó khăn. Cần để lại để TP.HCM làm ra miếng bánh to hơn nữa. Chứ có cái bánh to, cắt ra luôn và chia đều cho mọi người thì còn gì mà phát triển”, ông Thái nêu quan điểm.
Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 196