Theo tin thời sự thế giới mới nhất trên RT, ngày 17/9, ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố phương Tây phải chuẩn bị cho “một cuộc chiến lâu dài” ở Ukraine. Mặc dù từng nói muốn hòa bình nhanh chóng lập lại tại Kiev nhưng ông Stoltenberg khẳng định vẫn ủng hộ mục tiêu của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky là giành chiến thắng quân sự trước Nga.
“Hầu hết các cuộc chiến đều kéo dài hơn những dự báo ở giai đoạn đầu. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine”, ông Stoltenberg chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin trong 2 tháng qua, các quan chức phương Tây và nhà hoạch định quân sự đánh giá cuộc phản công của Ukraine khó có thể thành công, dẫn đến chiến tuyến gần như không thay đổi khi mùa Đông tới.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh: CNN
Liên quan đến tình hình chiến sự Nga – Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Kiev đã mất tới 71.000 binh sĩ kể từ khi bắt đầu cuộc phản công từ tháng 6/2023.
Các nguồn tin của Ukraine cho hay, trước thiệt hại lớn với một số đơn vị trong lực lượng Ukraine mất 90% nhân lực, ông Stoltenberg vẫn nhấn mạnh rằng NATO sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp quân sự thay vì ngoại giao.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn hòa bình nhanh chóng lập lại nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nếu quân đội Ukraine ngừng chiến đấu thì chính quyền Kiev sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ở chiều hướng ngược lại, nếu quân đội Nga ngừng chiến thì chúng ta sẽ có hòa bình", ông Stoltenberg cho hay.
XEM THÊM: Ukraine điều hàng chục UAV tấn công lãnh thổ Nga
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 4/2022, Tổng thống Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Nga. Ngoài ra, ông cũng nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye, cũng như Crimea – nơi sáp nhập vào Nga năm 2014.
Trong khi đó, Nga khẳng định luôn sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao giải quyết cuộc xung đột nhưng bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần tính đến “thực tế lãnh thổ mới”, tức các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye và Crimea sẽ không bao giờ trở lại Ukraine.
Đinh Kim (Theo RT)