Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Guardian, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo các nước phương Tây nên chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Theo đó, ông Stoltenberg nói rằng Nga đang tham gia vào một "cuộc chiến tiêu hao".
Tổng thư ký NATO nhận định cuộc giao tranh căng thẳng ở Bakhmut, thành phố miền Đông Ukraine, cho thấy Nga sẵn sàng "đưa tới hàng nghìn binh sĩ, chịu thương vong để đạt được lợi ích tối thiểu".
Ông Stoltenberg nói: "Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch hoà bình".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Getty
Ông Stoltenberg chỉ ra thêm rằng Nga đang tăng cường sản xuất vũ khí hiện nay. Theo đó, tổng thư ký NATO cho rằng Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các quốc gia phương Tây khác cần phải sẵn sàng duy trì sự hỗ trợ vũ khí, đạn dược, phụ tùng thay thế cho Ukraine trong một thời gian dài.
Hiện tại, tình hình xung đột đang khốc liệt tới mức Ukraine sử dụng đạn pháo - 4.000 đến 7.000 viên đạn mỗi ngày. Trong khi đó, Nga sử dụng tới 20.000 viên đạn/ngày trong các cuộc giao tranh - vượt xa khả năng sản xuất của phương Tây. "Tỷ lệ chi tiêu đạn dược hiện tại cao hơn tỷ lệ sản xuất hiện tại", ông Stoltenberg cho biết.
Đầu tuần này, các thành viên EU đã đồng ý cung cấp cho Ukraine một triệu viên đạn, đủ dùng trong 6 tháng hoặc lâu hơn. Nhưng trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Stoltenberg đã kêu gọi các thành viên NATO sẵn sàng chi nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.
Báo cáo thường niên của NATO công bố hôm 21/3 cho thấy chỉ có 7 trong số 30 quốc gia thành viên - Mỹ, Anh, Ba Lan, Hy Lạp và các nước vùng Baltic - đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng hiện tại là 2% GDP vào năm 2022. Tiếp theo là các nước Pháp với chi tiêu 1,89% GDP cho quốc phòng, Đức là 1.49% GDP.
Người đứng đầu NATO cho biết, một vấn đề khác cũng rất quan trọng là ngăn Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga. Các thành viên NATO trước đó đã cảnh báo Trung Quốc về vấn đề này và cho biết họ chưa thấy dấu hiệu về việc Bắc Kinh gửi vũ khí cho Moscow.
Người đứng đầu NATO cho biết nỗ lực nghiêm túc của Trung Quốc để đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột hiện nay cần đi kèm với nỗ lực "hiểu quan điểm của Ukraine" và "trao đổi trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky".
Dù hoan nghênh các sáng kiến giải quyết xung đột của Trung Quốc nhưng ông Stoltenberg vẫn bày tỏ sự không hài lòng khi Bắc Kinh chưa lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Ông Stoltenberg cho rằng phương Tây đã cung cấp đủ thiết bị quân sự, bao gồm xe tăng, phương tiện chiến đấu và pháo phản lực, "để giúp Ukraine giành lại những lãnh thổ" do Nga kiểm soát kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 2 vừa qua.
Nhưng người đứng đầu NATO cũng không loại trừ khả năng các quốc gia thành viên sẽ tiến xa hơn bằng cách gửi máy bay F-16 hoặc các máy bay phản lực khác của phương Tây tới Ukraine. Trong tháng 3 này, Ba Lan và Slovakia đã đồng ý cung cấp 17 chiếc MiG-29 tiêu chuẩn của Liên Xô cho Ukraine, nhưng tổng số lượng hiện có rất ít.
Minh Hạnh (Theo Guardian)