(ĐSPL) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Ukraina trên bờ vực nội chiến, sau khi Kiev dùng quân đội đàn áp những người ly khai ở miền đông nước này.
Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng xung đột đang leo thang ở miền đông Ukraina và trên thực tế, nước này “đang ở trên bờ vực của một cuộc nội chiến”.
|
Tổng thống Putin: Ukraina đang ở trên bờ vực nội chiến. |
Nhưng hai nhà lãnh đạo Nga-Đức đều "nhấn mạnh tầm quan trọng " của đàm phán 4 bên về Ukraina trong ngày 17/4 giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Liên minh Châu Âu, Mỹ và Ukraina.
Theo AFP, chính quyền ở Kiev đã đem xe tăng tới thành phố Slaviansk ở miền đông Ukraina để trấn áp các phần tử ly khai, một hành động bị Matxcơva cực lực lên án nhưng lại nhận được sự hậu thuẫn của Washington.
Việc đưa 20 xe tăng và xe bọc thép đến Slaviansk là phản ứng mạnh mẽ nhất của chính phủ ở Kiev được phương Tây hậu thuẫn nhằm chống lại các tay súng ly khai hiện chiếm giữ các công sở ở gần 10 thành phố miền đông Ukraina.
|
Tướng Krutov: Các phần tử ly khai phải hạ vũ khí, “nếu không sẽ bị tiêu diệt”. |
Tướng Krutov – chỉ huy bộ phận chống khủng bố của Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) – nói với báo giới rằng các phần tử ly khai phải hạ vũ khí, “nếu không sẽ bị tiêu diệt”.
Ông này tố cáo rằng các tay súng ly khai đang nhận được sự hậu thuẫn của hàng trăm nhân viên của cơ quan tình báo Nga (GRU) đã được cử đến Slaviansk và các khu vực lân cận.
Thị trấn công nghiệp Slaviansk đã nằm trong tay các tay súng ly khai kể từ ngày 12/4 đến nay.
Bộ Nội vụ Ukraina cho biết quân đội đã dùng máy bay trực thăng “giải phóng” sân bay quân sự Kramatorsk, phía nam Slaviansk, mà không có bất kỳ thương vong. Tuy nhiên, nhà hoạt động Oleg Issanka nói với AFP rằng quân đội Ukraina đã nổ súng làm bị thương 2 người.
Trong khi đó, Nhà Trắng nói rằng chiến dịch quân sự của Ukraina là một phản ứng “có chừng mực” chống lại một cuộc nổi dậy phi pháp đẩy chính phủ ở Kiev vào tình thế "không thể chấp nhận được”.
“Lửa cháy” ở khu vực đông nam Ukraina
Các nhà lãnh đạo tạm thời ở Kiev hiện đang phải chật vật đối phó với hàng loạt các cuộc nổi dậy, bắt đầu từ các trung tâm công nghiệp Donetsk và Lugansk và đang lây lan sang các thị trấn khai thác than gần đó.
|
Quyền Tổng thống Ukraina, Oleksandr Turchynov: “Người ta muốn đốt cháy toàn bộ phía nam và phía đông Ukraina - từ Kharkov đến Odessa”. |
Quyền Tổng thống Ukraina, Oleksandr Turchynov, nói trước một phiên họp quốc hội ở Kiev: “Người ta muốn đốt cháy không chỉ khu vực Donetsk mà là toàn bộ phía nam và phía đông (Ukraina) - từ Kharkov đến Odessa”.
Chỉ có điều, phản ứng quân sự mạnh mẽ của Kiev có thể dẫn đến một cuộc phản công có tính hủy diệt của quân đội Nga, vốn đang chuẩn bị hành động theo cam kết của Tổng thống Putin "bảo vệ " những người nói tiếng Nga ở các nước láng giềng.
Ngày 14/4, điện Kremlin thông báo rằng Tổng thống Putin đã nhận được yêu cầu từ miền đông Ukraina về việc “can thiệp dưới một số hình thức”. Chính quyền Kiev coi đây là một cái cớ để Nga tiến hành một cuộc xâm lược.
Liệu Nga có can thiệp quân sự vào Ukraina?
Theo Reuters, sự khác biệt giữa cách hành xử ở Crimea và ở miền đông Ukraina cho thấy phía Nga có thể theo đuổi những mục tiêu khác nhau.
Không giống như bán đảo Crimea - nơi hàng ngàn binh lính Nga đã được triển khai ở một căn cứ hải quân, có rất ít bằng chứng cho thấy Nga đã triển khai lực lượng mặt đất ở miền đông Ukraina.
|
Dân quân tự vệ ở Donetsk không giống những người bịt mặt ở Crimea. |
Ở các thị trấn phía đông Ukraina, quân nổi dậy đã chiếm giữ các trụ sở công quyền và một số tay súng tự nhận với các nhà báo rằng họ là "người Nga". Nhưng điều đó không cho biết quốc tịch của họ: là công dân Nga hay những người nói tiếng Nga ở Ukraina. Xem ra, các tay súng này không phải là quân chính qui, khác với những người bịt mặt từng đánh chiếm các cơ sở trên bán đảo Crimea.
Nếu Nga có đóng một vai trò nào đó ở miền đông Ukraina – điều mà điện Kremlin cực lực bác bỏ, thì việc sáp nhập miền đông Ukraina cũng có thể không phải là mục tiêu mà Matxcơva theo đuổi.
Bán đảo Crimea chỉ gắn liền với đất liền Ukraina bằng một dải đất khá hẹp và dễ dàng ngăn chặn các lực lượng tăng viện đến từ Ukraina. Ngoài ra, đại đa số dân chúng Crimea lại ủng hộ Nga. Không giống như các khu vực Donetsk và Lugansk, bán đảo Crimea vốn là của Nga và bị lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushev “tặng” cho Ukraina trong năm 1954.
Một quan chức quốc phòng Mỹ, yêu cầu giấu tên, nói rằng Washington vẫn chưa chắc chắn về nhân thân các tay súng ly khai ở miền đông Ukraina. Quan chức này nói hành vi của các tay súng ly khai ở miền đông Ukraina không hoàn toàn giống với các tay súng bịt mặt từng đánh chiếm bán đảo Crimea.
Có vẻ như Nga đang tránh một sự hiện diện quân rõ ràng ở miền đông Ukraina.
Điện Kremlin có thể không muốn thôn tính phần lãnh thổ này của Ukraina, một khu vực khó thôn tính nếu xét đến vị trí địa lý và cơ cấu dân số.
Các nhà quan sát điện Kremlin nói rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể có một mục tiêu khiêm tốn hơn: buộc Kiev và phương Tây chấp nhận một bản hiến pháp mới sẽ dành quyền tự chủ nhiều hơn cho các khu vực phía đông Ukraina. Qua đó, ngăn chặn Ukraina ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Tony Brenton, một cựu đại sứ Anh tại Matxcơva, nhận định: “Miền đông Ukraina hoàn toàn khác (với Crimea) cả về khía cạnh lịch sử lẫn khả năng thôn tính. Khu vực này lớn hơn nhiều, ít ủng hộ Nga hơn và không có biên giới rõ ràng. Đây là một khu vực đánh đã khó mà giữ lại còn khó hơn. Tôi chắc chắn người Nga không có ý định làm điều tương tự (như ở Crimea) ở khu vực này”.
Một mục tiêu có thể của Nga là thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Ukraina tổ chức vào ngày 25/5 tới.
Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng ở miền đông Ukraina, Nga có thể đã chọn một cách tiếp cận bí mật hơn, sử dụng các điệp viên để tổ chức và chỉ đạo lực lượng dân quân địa phương. Nga không cần phải đưa vũ khí qua biên giới vì những thứ này có thể được lấy từ các đồn cảnh sát và trụ sở an ninh mà các tay súng chiếm đóng.