Reuters đưa tin, ngày 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay để chống lại Ukraine nếu Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước đó, tờ New York Times đưa tin một số quan chức phương Tây giấu tên tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.
“Nếu quốc gia mà chúng tôi đang có xung đột trở thành một cường quốc hạt nhân, chúng tôi sẽ làm gì? Trong trường hợp này, chúng ta sẽ sử dụng tất cả, tôi muốn nhấn mạnh điều này, chính xác là tất cả các phương tiện hủy diệt mà Nga có thể sử dụng. Chúng ta sẽ theo dõi mọi động thái của họ", ông Putin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan.
"Nếu ai đó chính thức chuyển giao thứ gì đó, họ sẽ vi phạm toàn bộ cam kết về không phổ biến vũ khí mà mình đưa ra", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
Ông Putin nói rằng Ukraine hiện không thể sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng vẫn có thể chế tạo "bom bẩn", khẳng định Nga cũng sẽ tiến hành động thái phản ứng thích hợp nếu điều này xảy ra.
"Bom bẩn" là thuật ngữ chỉ loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân dưới dạng bột hoặc viên, có khả năng phát tán chất phóng xạ trên khu vực rộng lớn. Bom bẩn không có sức hủy diệt lớn như vũ khí hạt nhân, nhưng rất dễ chế tạo, đặc biệt là với những nước sở hữu vật liệu hạt nhân.
Ukraine được thừa hưởng nhiều vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, song đã từ bỏ chúng theo thỏa thuận Budapest ký năm 1994 để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần cho rằng động thái trên đã khiến nước này không còn được bảo vệ và khẳng định đây là lý do Kiev nên gia nhập NATO.
Xung đột Nga - Ukraine đang ở bước ngoặt nguy hiểm khi các bên có những bước đi táo bạo gần đây. Phương Tây bắt đầu cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa do các nước này viện trợ để tấn công sâu vào Nga.
Ngày 19/11, Tổng thống Putin ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, trong đó nêu rõ sử dụng vũ khí nguyên tử là "biện pháp tột cùng" để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Học thuyết còn mở rộng danh sách quốc gia và liên minh quân sự nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe hạt nhân.
Mới đây, Nga cũng đã phóng tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik vào cơ sở công nghiệp quân sự ở Ukraine, trong một động thái trả đũa.
Vũ khí tầm xa Mỹ viện trợ Ukraine. Ảnh minh họa
Tại cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Kazakhstan ngày 28/11, ông Putin tiết lộ hệ thống này có hàng chục đầu đạn dẫn đường tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10. Đầu đạn của tên lửa đạt nhiệt độ 4.000 độ C, có sức hủy diệt cao. Ông cho biết, Oreshnik thậm chí có thể phá hủy các công trình kiên cố được bảo vệ nghiêm ngặt, nằm sâu dưới lòng đất.
Tuy nhiên, ông Putin cũng nêu rõ, Oreshnik không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt mà là vũ khí có độ chính xác cao không mang theo đầu đạn hạt nhân và Oreshnik hiện không có đối thủ trên thế giới.