Tổng thống Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya-24 hôm 25/3: "Chúng tôi đã chuyển giao cho Belarus hệ thống Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả, có thể mang vũ khí hạt nhân của chúng tôi. Vào ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện các nhóm vận hành và vào ngày 1/7, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus".
Tổng thống Putin giải thích rằng, quyết định của Nga được thúc đẩy bởi việc Anh cung cấp cho Ukraine vũ khí uranium nghèo.
Tổng thống Putin khẳng định, Tổng thống Belarus từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, do vậy "điều này không có gì bất thường". Nhà lãnh đạo Nga cho rằng động thái này của Moscow tương tự việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
"Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Họ đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh, các quốc gia NATO, ở châu Âu từ lâu. Và chúng tôi đã đồng ý (với Belarus) rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Tass)
Mỹ đã phản ứng thận trọng với tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lầu Năm Góc tuyên bố không có dấu hiệu nào cho thấy Mátxcơva đang có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ lưu ý rằng Nga và Belarus đã thảo luận về việc chuyển giao vũ khí hạt nhân trong một thời gian. “Chúng tôi đã nhận được báo cáo về quyết định của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình, cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết với điều khoản phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, trích tuyên bố.
Ông Putin không nói rõ thời điểm vũ khí hạt nhân được chuyển đến Belarus, nhưng ông cho biết Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng kho lưu trữ vũ khí ở Belarus trước ngày 1/7. Belarus có biên giới với ba thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Cũng không rõ những vũ khí Nga sẽ được bố trí ở đâu tại Belarus. Việc chuyển giao sẽ mở rộng khả năng tấn công hạt nhân của Nga dọc theo biên giới phía đông của NATO.
Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí như một phần trong các đề xuất an ninh, nhưng Mỹ và NATO từ chối.
Việt Hương (T/h)