Báo Dân trí thông tin, phát biểu trước một nhóm nhà tài trợ ở bang California hôm 19/6, Tổng thống Biden nói rằng các động thái của Nga ở Belarus có thể là một dấu hiệu cho thấy Moscow đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, mặc dù những bình luận gần đây từ Nhà Trắng thừa nhận không có dấu hiệu nào trước mắt cho thấy kịch bản đó.
"Khi tôi đến đây khoảng 2 năm trước và nói rằng tôi lo lắng về việc sông Colorado sẽ cạn nước, mọi người nhìn tôi như kiểu tôi bị mất trí. Họ nhìn tôi giống như khi tôi bày tỏ lo lắng về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mối đe dọa đó là có thật", ông Biden nói thêm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại California hôm 19/6. Ảnh: Reuters
Theo tạp chí Mekong Asean, giới chức Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã đáp trả các chỉ trích của quan chức Mỹ, cho rằng Washington không nên đổ lỗi khi chính nước này cũng triển khai 150 tên lửa hạt nhân trên khắp Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mỹ đã duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn trong nhiều thập kỷ ở châu Âu. Cùng với các đồng minh NATO của mình, họ tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân và huấn luyện cho các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đất nước của chúng tôi. Trước khi đổ lỗi cho người khác, Washington nên tự suy ngẫm về bản thân", Đại sứ quán Nga nhấn mạnh.
Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo rằng Moscow sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này tại Belarus sớm nhất là vào đầu tháng 7.
Đến cuối tháng trước, Nga và Belarus thông báo đã hoàn tất thỏa thuận về việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow trên lãnh thổ Minsk, bao gồm chuyển giao hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M và có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, một số máy bay chiến đấu Su-25 đã được chuyển đổi để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, động thái này đã nhận phải nhiều chỉ trích từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhà Trắng nhiều lần chỉ trích quyết định của Tổng thống Putin và cũng cảnh báo về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.
Giải thích nguyên nhân cho việc tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, Belarus cho biết Mỹ cũng triển khai các vũ khí tương tự ở các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, khiến nước này phải chịu nhiều áp lực.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo một số đầu đạn năng suất thấp đã đến lãnh thổ Belarus và nói với người đồng cấp Alexander Lukashenko rằng “mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch”.
Trong khi đó, Tổng thống Lukashenko tiết lộ với báo giới rằng Moscow đã chuyển giao một số vũ khí hạt nhân có sức mạnh gấp 3 lần so với những quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II.
Phản ứng với thông báo của Minsk, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích rằng: "Thông điệp về hạt nhân của Nga là liều lĩnh và nguy hiểm. Moscow phải biết rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không mang đến chiến thắng và không bao giờ được diễn ra". Ông cũng tuyên bố khối sẽ "theo dõi chặt chẽ các động thái của Nga", nhưng không nhận thấy dấu hiệu Nga thay đổi tư thế hạt nhân.
Vân Anh (T/h)