"Tôi e ông Nguyễn Xuân Anh chưa qua rèn luyện thực tiễn tốt, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự từng trải. Bởi thế mới dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật", ông Lê Quang Thưởng nêu quan điểm.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có những vi phạm nghiêm trọng đã được ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận tại kỳ họp thứ 17 vừa qua là một trong những thông tin thu hút sự chú ý của dư luận xã hội thời gian qua.
[presscloud]358[/presscloud]
Một lần nữa, câu chuyện về công tác cán bộ nóng lên. Cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, cán bộ vừa tài năng lại có truyền thống gia đình là điểm cộng. Cái chúng ta cần ngăn chặn là hiện tượng luồn lách, đưa người nhà vào vị trí lãnh đạo khi không đáp ứng đủ các yêu cầu công việc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, ban Tổ chức Trung ương đưa ý kiến: “Trong công tác cán bộ cần có sự bình đẳng với tất cả mọi người. Nếu thiếu bình đẳng, khách quan sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt. Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy, những cán bộ, đảng viên, thanh niên tốt nghiệp đại học phải được rèn luyện qua thực tiễn công tác từ dưới lên. Qua thực tiễn đó nảy nở năng lực của mỗi người, lãnh đạo sẽ xem xét bố trí công việc phù hợp.
Nếu có trí tuệ, khả năng tập hợp quần chúng tốt, khả năng hành động nhạy bén, sáng tạo thì cất nhắc vào vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao. Nếu đưa ngay cán bộ vào vị trí lãnh đạo khi còn quá trẻ sẽ không tốt. Điển hình như trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, 33 tuổi đã làm Bí thư Quận ủy. Nếu có năng lực thực sự thì tốt, nhưng tôi e rằng, Nguyễn Xuân Anh chưa qua rèn luyện thực tiễn tốt, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự từng trải cũng như khả năng tập hợp quần chúng, xử lý tình huống do yêu cầu lãnh đạo tạo ra. Bởi thế mới dẫn đến như vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật như tại kết luận kỳ họp 17 của ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
Ông Lê Quang Thưởng e ngại rằng: "Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chưa qua rèn luyện thực tiễn tốt. |
Tình trạng “nhồi nhét” cán bộ thuộc diện người thân quan chức khi chưa đủ thực lực là câu chuyện có thật ở đâu đó. Để ngăn chặn, theo ông Lê Quang Thưởng: “Tinh thần là phải dân chủ. Một cán bộ trong diện được cất nhắc phải qua thăm dò ý kiến cán bộ, công nhân viên chức tại nơi người đó công tác, đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Cần lắng nghe dư luận nơi cư trú để biết rõ thái độ với dân thế nào, nếp sống ra sao, chấp hành pháp có nghiêm túc không. Nhưng quan trọng nhất là phát động được quần chúng nhân dân trong cơ quan, nơi cư trú góp ý kiến thẳng thắn, trung thực, không nể nang, ngại va chạm”.
“Có sự nể nang trong các tập thể cơ quan, nơi cư trú vì một cán bộ trong quy hoạch là con “ông to”. Bởi thế, tránh hiện tượng thiếu khách quan, nể nang, trước khi bổ nhiệm cần công khai cá nhân đó để nhận các luồng ý kiến đóng góp.
Nếu cất nhắc, bổ nhiệm cứ làm lụi hụi trong nội bộ cấp ủy, không ai biết thì quyết định không chính xác. Nguy hiểm hơn là hệ quả, năng suất công việc và niềm tin của nhân dân bị giảm sút.
Để ngăn chặn việc thăng tiến quá nhanh theo kiểu “thần tốc”, vai trò của truyền thông rất quan trọng. Cơ quan quản lý phải có ý kiến kịp thời, sự giám sát từ dư luận quần chúng, cơ quan truyền thông sẽ góp phần loại bỏ việc thiếu khách quan, minh bạch trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ”, ông Thưởng nhấn mạnh.
ĐBQH Phạm Văn Hòa nói: "Trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là đáng tiếc". |
Còn theo ý kiến của ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Trong công tác cán bộ, không nên có bất cứ sự phân biệt đối xử nào. Trường hợp là con, cháu cán bộ, có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, được kiểm chứng qua thực tế thì rõ ràng, truyền thống gia đình là điểm cộng. Những trường hợp này càng cần được bố trí sớm để phát huy tài năng.
Tôi nghĩ rằng không nên có sự phân biệt đối xử với tất cả các trường hợp thuộc diện “con ông cháu cha”. Đừng vì họ có người thân, có nền tảng mà vội quy kết một cách phiến diện, thiếu khách quan theo kiểu “hậu duệ, quan hệ”. Như thế có thể chúng ta sẽ đánh mất nhiều tài năng”.
“Tuy nhiên, nếu không đủ đức, đủ tài, ngồi vào những vị trí công việc không phù hợp, dư luận sẽ có những nghi ngại vì sự nể nang, có “hậu duệ”. Cần cương quyết loại bỏ những trường hợp cố tình đưa người nhà, người thân vào bộ máy trong khi năng lực không tương xứng với vị trí công việc”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
“Trên đất nước ta có rất nhiều cán bộ thuộc diện “con ông cháu cha” đã tiếp nối được truyền thống của gia đình cả về tài năng và đức độ. Họ đã làm được những việc tốt, rạng danh gia đình, dòng tộc, góp phần phát triển quê hương, đất nước. Hậu duệ như vậy chẳng phải là đáng hoan nghênh hay sao?”, ông Hòa nói thêm.
Vị ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng: “Không nên hoàn toàn tin tưởng vào một cá nhân nào đó, dù họ có nền tảng tốt, năng lực thực thụ nhưng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. Tài năng hay phẩm chất đạo đức nếu không được rèn luyện, tự mãn có thể thoái hóa, biến chất theo thời gian. Nếu để lọt vào bộ máy những cán bộ thiếu năng lực, phẩm chất đạo đức kém, không vì cái chung mà tư lợi cá nhân sẽ là một sự nguy hại cho đất nước. Trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, tôi nghĩ là vô cùng đáng tiếc. Cần có sự rút kinh nghiệm trong việc kiểm soát quyền lực khi giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ trẻ”.