Theo tuyên bố, Toà án Hiến pháp Thái Lan đã nhất trí xét xử vụ kiện do các phe đối lập của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đệ trình. Trong đó, phe đối lập cho rằng vị thủ tướng đã kết thúc giới hạn nhiệm kỳ 8 năm vào ngày 23/8.
Trong thời gian ông Prayuth bị tạm thời đình chỉ, phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan dự kiến sẽ đảm nhận vị trí lãnh đạo lâm thời.
Theo Reuters, khi toà án đưa ra phán quyết cuối cùng, ông Prayuth Chan-ocha vẫn có thể phục hồi vị trí của mình. Tuy nhiên, quyết định đình chỉ thủ tướng Thái Lan đã phần nào khiến chính trường nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn, đặc biệt là khi cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm sau.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bị tạm thời đình chỉ nhiệm vụ. Ảnh: Reuters
Toà án cho biết ông Prayuth sẽ có 15 ngày để đưa ra câu trả lời trước toà. Một hội đồng thẩm phán đã biểu quyết và đưa ra quyết định đình chỉ ông, bắt đầu từ ngày 24/8.
Toà án thông tin: "Toà án đã xem xét đơn yêu cầu và tài liệu liên quan và nhận thấy cần tiến hành các cuộc điều trần làm rõ".
Không rõ khi nào tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về đơn kiến nghị, do đảng đối lập chính đưa ra lập luận rằng thời gian ông Prayuth làm người đứng đầu quân đội nên được tính vào nhiệm kỳ 8 năm theo quy định của hiến pháp.
Ông Prayuth lên nắm quyền vào năm 2014 khi ông lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử. Sau đó, ông trở thành thủ tướng dân sự vào năm 2019 sau một cuộc bầu cử được tổ chức theo hiến pháp do quân đội soạn thảo.
Trong yêu cầu xem xét của tòa án, đảng đối lập chính đã lập luận rằng ông Prayuth nên rời nhiệm sở trong tháng này vì thời gian giữ chức vụ tư lệnh quân đội phải được tính vào nhiệm kỳ của ông.
Một cuộc thăm dò gần đây chỉ ra gần 2/3 người Thái Lan cũng muốn ông Prayuth mãn nhiệm vào tháng này.
Nhưng một số người ủng hộ cho rằng nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào năm 2017, khi hiến pháp mới có hiệu lực hoặc sau cuộc bầu cử năm 2019, có nghĩa là ông nên được phép nắm quyền cho đến năm 2025 hoặc 2027, nếu được bầu.
Minh Hạnh (Theo Reuters)