Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình hình dịch COVID-19 ngày 28/10: Thế giới trải qua ngày tồi tệ với hơn 7.000 người tử vong

(DS&PL) -

Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, với hơn 450.000 ca nhiễm và hơn 7.000 người tử vong được ghi nhận trong 24h.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, với hơn 450.000 ca nhiễm và hơn 7.000 người tử vong được ghi nhận trong 24h qua.

Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Ảnh: Reuters

Thế giới đã trải qua một ngày tồi tệ khi ghi nhận thêm 7.028 người chết vì đại dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.171.300, theo dữ liệu thời gian thực tính đến 11h ngày 28/10 trên trang worldometers.

Trong khi đó, đã có 44.234.933 người trên toàn cầu bị nhiễm bệnh, tăng 459.020 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước.

Ngày 27/10, toàn bộ các họp trực tiếp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã bị hủy sau khi một quốc gia thành viên thông báo có 5 nhân viên mắc COVID-19.

Đây là lần đầu tiên kể từ mùa hè vừa qua, Liên Hợp Quốc phải hủy họp trực tiếp vì đại dịch. Trong thư gửi tới 193 nước thành viên, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Volkan Bozkir cho biết cơ quan y tế của tổ chức này khuyến nghị hủy bỏ các cuộc họp trực tiếp, để phòng ngừa dịch bệnh lây lan và tiến hành truy vết tiếp xúc của những người nhiễm bệnh.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận 9.034.078 ca nhiễm và 232.013 người chết do COVID-19, tăng lần lượt 71.120 và 968 ca so với một ngày trước đó.

Đúng như lo ngại của giới chuyên gia, số người chết vì COVID-19 trung bình mỗi ngày trên toàn nước Mỹ đã tăng 10% trong hai tuần qua, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins tính đến ngày 25/10. Số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng gia tăng ở hầu hết các bang, bất chấp lời trấn an từ Tổng thống Donald Trump cuối tuần trước rằng họ "đang làm rất tốt".

Các chuyên gia y tế cảnh báo dựa vào kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 mới đang "nhấn chìm" nước Mỹ, việc số người chết tăng mạnh chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong khi đó, vaccine COVID-19 được cho là tới giữa năm 2021 mới có thể phổ biến rộng rãi ở nước này.

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc trong ngày cao thứ hai thế giới với 42.965 trường hợp. Quốc gia này hiện đã có gần 7.988.853 triệu trường hợp mắc bệnh và trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Nước này cũng đã có 120.054 ca tử vong vì COVID-19 sau khi ghi nhận thêm 519 người tử vong trong 24 giờ qua.

Nhiều nước châu Âu chuẩn bị áp đặt những biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Chính phủ hầu hết các nước châu Âu đang chuẩn bị áp đặt những biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn đà bùng phát dữ dội của làn sóng dịch COVID thứ hai.

Italy, nơi từng là tâm dịch châu Âu, đã có 21.994 ca mắc mới và 221 trường hợp tử vong trong 24h qua.

Các biện pháp hạn chế mới được áp dụng tại Italy từ ngày 26/10 đang vấp phải sự phản đối lớn của một bộ phận dân chúng. Các cuộc biểu tình chống các biện pháp này đã diễn ra đêm thứ 4 liên tiếp tại một số thành phố lớn của Italy, bao gồm cả thủ đô Roma, buộc cảnh sát chống bạo động Italy phải can thiệp.

Hà Lan ghi nhận 311.724 ca nhiễm và 7.142 trường hợp tử vong vì COVID-19, tăng lần lượt 10.292 và 70 ca so với một ngày trước đó.

Hiện tại, với số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày hơn 10.000 ca và đang là một trong các nước có tỷ lệ mắc Covid-19 trên dân số cao nhất tại châu Âu.

Trong ngày 27/10, Nghị viện Hà Lan đã thông qua một luật mới mang tên “luật corona”, qua đó cho phép chính phủ nước này được áp dụng các biện pháp hạn chế khắt khe hơn nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 cũng đang diễn biến nghiêm trọng tại Đức. Nước này ghi nhận thêm 13.161 ca nhiễm và 81 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 463.419 và 10.263 ca.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmeier ngày 27/10 nhận định, chỉ trong 1-2 ngày nữa, số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Đức sẽ lên đến 20.000-30.000 ca. Đức được đánh giá là có hạ tầng y tế tốt nhất châu Âu, với số giường hồi sức cấp cứu cao gấp 3-4 lần các nước như Pháp, Anh nhưng bà Angela Merkel ngày 27/10 cũng cảnh báo, hệ thống y tế nước này đang đứng trước “thời điểm đổ vỡ” nếu không quyết liệt ngăn chặn số ca bệnh.

Anh ghi nhận 917.575 ca nhiễm và 45.365 ca tử vong, tăng lần lượt 22.885 và 367 trường hợp. Đây là số ca tử vong mới hàng ngày cao nhất kể từ hôm 27/5, trong bối cảnh Anh là nước ghi nhận số người chết vì COVID-19 nhiều nhất châu Âu.

Nga ghi nhận thêm 320 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 26.589, trong khi số ca nhiễm tăng 16.550, lên 1.547.774. Các chuyên gia y tế cấp cao Nga cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày của nước này sẽ chạm ngưỡng 20.000 trước khi ổn định trở lại và giảm xuống trong hai tuần tới.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị hỗ trợ tài chính cho chương trình phát triển vắc xin Covid-19 Sputnik V, ngày 27/10 cho biết Nga đã nộp đơn hối thúc WHO đăng ký nhanh vắc xin COVID-19 Sputnik V do Moscow sản xuất.

Trung Quốc bùng phát ổ dịch lớn nhất kể từ tháng 6 ở khu vực Tân Cương. Ảnh minh họa

Trung Quốc ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 85.826, trong đó 4.634 người đã chết.

Trung Quốc hôm 25/10 phát hiện hơn 100 ca nhiễm COVID-19 tại thành phố Kashgar, Tân Cương và tất cả đều không có triệu chứng. Đây là ổ dịch lớn nhất được ghi nhận tại Trung Quốc sau đợt bùng phát lây nhiễm COVID-19 ở chợ đầu mối thuộc thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 6. Giới chức sẽ xét nghiệm cho gần 4,8 triệu dân tại thành phố này.

Ngày 27/10, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật về chi trả toàn bộ chi phí tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cho tất cả người dân nước này. Dự luật trên nhằm sửa đổi luật vaccine hiện nay và được soạn thảo theo đúng cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide về đảm bảo vaccine cho tất cả người dân trong nửa đầu năm tới.

Chính phủ của Thủ tướng Suga đặt mục tiêu có thể ban hành dự luật ngay trong phiên họp hiện nay của Quốc hội, dự kiến kéo dài đến ngày 5/12 tới. Để thực hiện kế hoạch, chính phủ đã quyết định sử dụng khoản ngân sách lên tới 671,4 tỷ yen (6,4 tỷ USD).

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 396.454 ca nhiễm, tăng 3.520 so với hôm trước, trong đó 13.512 người chết, tăng 101 ca.

Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn COVID-19 từ hồi đầu tháng 4 rồi dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở thủ đô vài tuần sau tăng vọt. Chính quyền Jakarta hôm 24/10 cho biết họ sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế trên diện rộng nhằm kiềm chế virus cho tới ngày 8/11.

Số ca mắc trong ngày ở Philippines đã bắt đầu giảm khi chỉ ghi nhận 1.524 ca mắc mới và 14 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines là 373.144 trường hợp, trong đó có 7.053 ca tử vong.

Nhà chức trách Malaysia cũng đã cách ly 10.000 cảnh sát nước này trong một động thái quyết liệt nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19. Số lượng lớn cảnh sát bị cách ly phòng dịch được cho là gây áp lực lớn lên việc triển khai lực lượng, và cảnh sát Malaysia hiện đang cân nhắc coi tình huống này là một mối lo ngại an ninh.

Hoa Vũ (T/h)

Tin nổi bật