Hơn 40 UAV Thổ Nhĩ Kỳ bị Pantsir-S Nga hạ gục ở Syria
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga đã xác nhận thông tin về những máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya.
Hệ thống Pantsir-S Nga bắn hạ nhiều UAV của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa
Theo đó, phía Nga cho biết hệ thống pháo và tên lửa phòng không Pantsir-S của họ đã hoạt động cực kỳ hiệu quả trong cuộc chiến chống lại UAV tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo người đứng đầu Tổng cục Xây dựng và Phát triển Hệ thống sử dụng UAV thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga Alexander Novikov, vũ khí hiện đại của Nga có thể kiểm soát thành công chuyến bay của UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, từ khi chúng cất cánh cho tới khi hạ cánh.
Hơn nữa, Bộ Tổng tham mưu của Lực lượng vũ trang Nga cho biết chỉ trong vài tháng, các hệ thống tên lửa Pantsir-S của Nga đã tiêu diệt được hơn 40 UAV tấn công Bayraktar TB2 và ANKA-S trong khi số lượng Pantsir-S chỉ 5-6 chiếc.
Theo các chuyên gia, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được sử dụng ở những khu vực trên thế giới – nơi hầu như không có hoặc thiếu hệ thống phòng không. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Syria được trang bị tới 20 hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S, tuy nhiên, hầu hết chúng được đặt ở khu vực phía nam và phía tây đất nước.
Quân đội Syria được cho là đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống lại các UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Các tổ hợp phòng không Buk-M2E ở đây ước tính đã tiêu diệt thêm khoảng 30 UAV của Thổ Nhĩ Kỳ.
Siêu tăng T-14 Armata Nga bộc lộ yếu điểm lớn
Siêu tăng T-14 Armata của Nga tại lễ duyệt binh. Ảnh: Avia
Trong quá trình thử nghiệm thực chiến tại chiến trường Syria, siêu tăng T-14 Armata của Nga đã bộc lộ những vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, vì thế quá trình đi vào biên chế của dòng tăng này đã bị gián đoạn.
Các vấn đề kỹ thuật được xác định ở giai đoạn thử nghiệm thực chiến tại Syria liên quan tới hệ thống điện trên xe, hệ thống ngắm bắn và hệ thống phòng vệ chủ động trước vũ khí chống tăng của đối phương.
Trang Avia của Nga cho biết, những vấn đề kỹ thuật được phát hiện của xe tăng T-14 Armata đã được khắc phục trong những chiếc chuẩn bị xuất xưởng. Tuy vậy chúng có thể sẽ được đem lại chiến trường Syria thử nghiệm một lần nữa.
Việc Nga bí mật đem xe tăng T-14 Armata sang Syria thử lửa đã được các nhà phân tích chỉ ra, tuy vậy tới nay Nga vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này, họ chỉ cho biết hơn 400 hệ thống vũ khí mới đã được thử lửa tại chiến trường Syria.
Trước đó Nga cho biết đã có ít nhất 20 xe tăng T-14 Armata thuộc lô sản xuất loạt đầu tiên sẽ được biên chế cho quân đội nước này vào năm 2021.
Tuy nhiên khi năm 2021 chỉ còn hơn tuần lễ nữa là kết thúc thì Nga bất ngờ cho biết, xe tăng T-14 Armata vẫn chưa hoàn thiện để sẵn sàng đi vào biên chế.
Đây là lần thứ 4 Nga lỗi hẹn về việc đem xe tăng T-14 Armata sản xuất loạt đi vào biên chế trong quân đội nước này. Lần đầu tiên xảy ra cách đây 6 năm khi Nga cho biết, siêu tăng T-14 Armata chính thức đi vào biên chế vào năm 2015.
Các lần kế tiếp lỗi hẹn diễn ra vào các năm 2017, 2019 và lần gần đây nhất là 2021, xe tăng T-14 Armata bị lỗi hẹn vào biên chế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Hoa Vũ (T/h)