Mỹ "sai sót" không kích nhầm hàng nghìn người
Tờ New York Times ngày 18/12 (giờ địa phương) đưa tin, những tài liệu của Lầu Năm Góc mà báo này mới tiếp cận được cho thấy những “sai sót tình báo nghiêm trọng” trong các cuộc không kích của Mỹ tại Trung Đông gây ra cái chết của hàng nghìn dân thường, trong đó có nhiều trẻ em.
Một vụ không kích của Mỹ ở Syria. Ảnh: Getty
Báo này cho rằng tập tài liệu mật liên quan đến hơn 1.300 báo cáo về thương vong của dân thường trong hơn 50.000 vụ không kích do Mỹ tiến hành tại Afghanistan, Iraq và Syria 5 năm qua cho thấy bức tranh khác hẳn những gì Washington miêu tả về cuộc chiến được quảng bá là tiến hành bằng các loại bom đạn chính xác, trong khi những cam kết về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình không được đảm bảo.
Đáng chú ý là vụ đặc nhiệm Mỹ ngày 19/7/2016 tiến hành không kích nơi được cho là khu vực triển khai của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Bắc Syria với báo cáo ban đầu là 85 tay súng bị tiêu diệt.
Thương vong thực tế là khoảng 120 nông dân và dân làng thiệt mạng.
Một ví dụ khác là cuộc tấn công tháng 11/2015 tại Ramadi, Iraq sau khi một người đàn ông bị phát hiện đang kéo “một vật thể nặng không xác định” vào vị trí của IS.
“Vật thể” đó về sau được xác định là một trẻ em, cũng thiệt mạng trong vụ tấn công.
Gần đây, quân đội Mỹ đã phải lên tiếng thừa nhận sai lầm trong một vụ không kích nhầm bằng máy bay không người lái (UAV) trên đường phố thủ đô Kabul của Afghanistan hồi tháng 8 làm chết 10 thành viên trong một gia đình, trong đó có trẻ em.
Các hình ảnh do thám chất lượng kém hoặc không đầy đủ thường là nguyên nhân góp phần để xảy ra những vụ không kích thất bại gây chết chóc cho người dân.
Israel có chùn bước nếu Syria được trao "quy chế đặc biệt" trong CSTO?
Quy chế đặc biệt trong CSTO có thể là đích nhắm thực tế hơn so với việc Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Thượng tướng Andrei Kartapolov hồi tháng 8 năm nay đã tuyên bố rằng Syria có thể trở thành quốc gia thành viên tiếp theo của Hiệp ước An ninh tập thể.
Quân đội Nga ở Syria. Ảnh minh họa
Theo ông Kartapolov, điều này nếu xảy ra sẽ mở rộng đáng kể khả năng của Quân đội Nga trên lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này và giúp bảo vệ an ninh của Syria khỏi nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm từ cả Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
"Tại sao không? Thứ nhất điều lệ không phải là giáo điều, nó phải ứng phó trực tiếp với tình hình, nếu cảm thấy có lợi cho tất cả mọi người, cả Syria và các đối tác CSTO, tôi không loại trừ khả năng như vậy”, ông Kartapolov phát biểu trên sóng của đài phát thanh Moscow.
Nói cách khác, nếu điều này xảy ra thì bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Syria từ Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ đều cho Nga quyền trả đũa trực tiếp, thực tế trên có thể nhanh chóng làm chùn bước những kẻ xâm lược.
“Hiệp ước An ninh Tập thể quy định việc cung cấp sự đảm bảo cho các đồng minh trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào quốc gia là thành viên của tổ chức CSTO.
Cho đến nay, Syria vẫn chưa bày tỏ sự quan tâm như vậy, tuy nhiên trước các mối đe dọa bên ngoài ngày càng tăng, rõ ràng là Damascus có thể rất quan tâm đến điều này trong tương lai”, Tướng Kartapolov lưu ý.
Tuy nhiên vẫn chưa biết liệu các quốc gia thành viên CSTO khác có ủng hộ việc Syria gia nhập Hiệp ước An ninh Tập thể hay không, vì điều này ngụ ý rằng các quốc gia khác cũng sẽ phải cung cấp cho nước cộng hòa Ả Rập sự hỗ trợ thích hợp trong trường hợp có mối đe dọa.
CSTO bao gồm các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết còn Syria lại ở tận Trung Đông. Ngoài ra ngay tại Nga cũng có nhiều ý kiến phản đối do lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột với Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ chẳng kém gì việc NATO vì muốn tránh đối đầu Nga mà chưa kết nạp Ukraine.
Hoa Vũ (T/h)