Hai phi công Ukraine đến Mỹ
Theo NBC, ở thời điểm hiện tại đã có hai phi công Ukraine đến Mỹ, nhưng con số sẽ không dừng lại ở đó. Nguồn tin giấu tên cho biết chính quyền Mỹ có kế hoạch đón khoảng 10 phi công Ukraine trong tháng này.
Các phi công Ukraine hiện đang được đào tạo trên thiết bị mô phỏng, và phía Mỹ không có kế hoạch để những phi công này lái máy bay thật.
Chương trình của Washington có hai mục tiêu: Cải thiện kĩ năng của lực lượng Ukraine, và đánh giá thời gian cần thiết để huấn luyện họ vận hành các máy bay chiến đấu phương Tây, bao gồm cả F-16.
“Chương trình sẽ giúp đánh giá năng lực của các quân nhân Ukraine, để chúng tôi có thể tư vấn tốt hơn cho họ về cách sử dụng những tiềm năng mà họ có sẵn và chúng tôi đã trao cho họ”, một quan chức Mỹ giải thích.
Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: Military.com
Đây là lần đầu tiên các phi công Ukraine tham gia một chương trình như vậy ở Mỹ, NBC nhấn mạnh. Trước đó, các phi công Ukraine mới chỉ được huấn luyện lái máy bay chiến đấu của Liên Xô, khác biệt đáng kể so với máy bay phương Tây.
Tuy nhiên, các nguồn tin nhấn mạnh rằng động thái này của Mỹ không có nghĩa là Washington thay đổi lập trường về việc chuyển giao F-16 cho Kiev. Trả lời phỏng vấn hôm 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông loại trừ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine trong bối cảnh nước này xung đột với Nga. “Ông Zelensky hiện chưa cần F-16. Theo quân đội của chúng tôi, hiện không có cơ sở nào để cung cấp F-16 cho Ukraine”, Tổng thống Biden nói.
Ukraine đã tăng cường kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại sau khi nước này thành công trong việc thuyết phục phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc thảo luận về việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev một lần nữa cho thấy sự can dự của các nước phương Tây trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông nhắc lại lập trường của Mátxcơva, rằng những hành động như vậy chỉ làm leo thang và kéo dài cuộc chiến trong khi không thể thay đổi kết quả cuối cùng.
Đức nói Phương Tây sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine sau xung đột
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 5/3 cho biết các quốc gia phương Tây sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, các nước phương Tây không phản đối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng Kiev sẽ cần tuân thủ các điều kiện để gia nhập.
Trước đó, Wall Street Journal đưa tin Anh, Pháp và Đức đang xem xét ký kết một thỏa thuận quốc phòng giữa Ukraine và NATO sau khi xung đột kết thúc. Theo thỏa thuận, chính quyền Kiev sẽ có quyền tiếp cận rộng rãi hơn với các thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược tiên tiến.
Theo Wall Street Journal, đây là động thái nhằm thúc đẩy Kiev tiến tới đàm phán với Moskva, chấm dứt chiến sự.
Mới đây, tờ Bild của Đức trích dẫn các nguồn tin cho hay, phương Tây đang xem xét việc áp đặt tối hậu thư đối với Kiev liên quan đến các cuộc đàm phán với Moskva trong thời gian tới.
Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng khuyến khích Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tham gia các cuộc đàm phán với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó thừa nhận Moskva đang thắng trong cuộc chiến hậu cần. Ông cũng cho biết không rõ NATO sẽ phải chi bao nhiêu để có thể hỗ trợ quân sự thêm cho Kiev.
Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Nga cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp xe tăng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên khó khăn.
Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục nêu ra các điều kiện giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine. Danh sách này bao gồm phương Tây ngừng viện trợ quân sự cho Kiev, cũng như việc Ukraine trở lại trạng thái trung lập.
Minh Hạnh (T/h)