Nga tuyên bố nhiều lính Ukraine tự nguyện đầu hàng
"Bộ trưởng Sergey Shoigu lưu ý rằng trong 3-4 tuần qua, rất nhiều binh sĩ Ukraine đã bị bắt hoặc tự nguyện đầu hàng. Họ đang nói về nhuệ khí suy yếu của các đơn vị Ukraine", hãng thông tấn Tass dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/10.
Trong cuộc gặp với các quân nhân từ Nhóm tác chiến phía Đông của quân đội Nga, một trong số binh sĩ Nga đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng về 4 trường hợp binh sĩ Ukraine bị bắt hôm 24/10. Theo binh sĩ này, cả 4 người bị bắt đều sống ở Lviv, đều được gọi nhập ngũ và "gần như ngay lập tức được đưa ra tiền tuyến".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết nhiều binh sĩ Ukraine đã tự nguyện đầu hàng. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, ông Vadim Astafiyev - người phát ngôn của nhóm tác chiến phía Nam của Nga thông tin rằng rằng lực lượng này đã hạ hơn 200 quân nhân Ukraine ở khu vực Donetsk. Hãng thông tấn Tass trước đó từng dẫn một nguồn tin ẩn danh hôm cho biết, hơn 10.000 quân nhân Ukraine "đã chọn mạng sống và sử dụng tần số 149.200 "Volga" để đầu hàng".
Tần số 149.200 có thể được truy cập bằng mọi đài phát thanh kỹ thuật số và được phía Nga lập ra để quân nhân Ukraine thông báo ý định đầu hàng. Quân đội Nga qua đó có thể xác định vị trí và bắt giữ người ra hàng một cách an toàn.
Trong khi đó, từ tháng 9/2022, Tổng cục Tình báo Ukraine đã lập đường dây nóng có tên "Tôi Muốn Sống" hoạt động 24/7 để giúp binh sĩ Nga tự nguyện ra hàng. Song song với đường dây nóng là trang web và chatbot cung cấp thông tin về chương trình đầu hàng.
Trong vòng 6 tháng hoạt động ban đầu, gần 10.000 binh sĩ Nga đã gọi vào đường dây nóng này, Kyiv Independent dẫn số liệu từ Trụ sở Điều phối Xử lý Tù binh đưa tin hồi tháng 3. Tuy nhiên, không rõ bao nhiêu người trong số đó thật sự ra hàng.
Ukraine nói tên lửa ATACMS của Mỹ ‘vượt mong đợi’
Tờ Kyiv Independent mới đây dẫn lời thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cho biết lô đầu tiên của Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) mà Ukraine nhận được đã thể hiện "vượt mong đợi".
Theo đó, các tên lửa tầm xa này đã làm giảm những cuộc tấn công của trực thăng Nga. Ngoài ra, ông cho rằng một số lượng lớn trực thăng của Nga đã rời khỏi Crimea, lãnh thổ do Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Tên lửa ATACMS của Mỹ viện trợ Ukraine. Ảnh: WSJ
Lực lượng Ukraine đã sử dụng ATACMS do Mỹ cung cấp lần đầu vào ngày 17/10 để tấn công các sân bay quân sự của Nga ở Zaporizhzhia và Luhansk. Sau cuộc tấn công, phía Kiev truyên bố Moscow đã bị thiệt hại đáng kể bao gồm 9 trực thăng, 1 bệ phóng tên lửa phòng không, các đường băng. Nhiều thiết bị khác cũng đã bị phá hủy gần thành phố Luhansk ở phía Đông và thành phố Berdiansk ở phía Nam Ukraine.
Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, Ukraine đã nhiều lần đề nghị chính quyền Mỹ cung cấp ATACMS, cam kết không sử dụng vũ khí này trong lãnh thổ của Nga. Kiev nhấn mạnh những loại vũ khí mạnh như ATACMS có thể làm thay đổi tình hình cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua.
Các quan chức Mỹ ban đầu từ chối yêu cầu này vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại rằng điều đó có thể làm leo thang căng thẳng, đẩy Mỹ can dự sâu vào xung đột.
Tờ New York Times hôm 18/10 dẫn lời 2 quan chức phương Tây cho hay Mỹ đã cung cấp khoảng 20 hệ thống ATACMS cho Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định việc Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine là một sai lầm lớn và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo chính quyền Nga, động thái này cũng cho thấy Mỹ vẫn theo đuổi chính sách cắt giảm hoàn toàn các mối quan hệ song phương đồng thời tiếp tục thúc đẩy một cuộc xung đột trực tiếp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Phương Uyên (T/h)