Ukraine xác nhận tấn công mục tiêu hải quân Nga ở Crimea
Theo thông tin mới nhất từ hãng tin Reuters, giới chức Ukraine đã chính thức lên tiếng xác nhận nước này đã thực hiện vụ tấn công nhằm vào mục tiêu hải quân và hạ tầng cảng Nga ở thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea hôm 13/9.
"Chúng tôi xác nhận một tàu đổ bộ lớn và tàu ngầm đã bị bắn trúng. Chúng tôi không bình luận về phương tiện (được sử dụng) để thực hiện vụ tấn công", ông Andriy Yusov - quan chức cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết.
Nhà máy đóng tàu Sevastopol sau cuộc tập kích hôm 13/9. Ảnh: Reuters
Quân đội Ukraine cũng công khai nhận trách nhiệm, điều mà họ thường không làm đối với các vụ tấn công xảy ra ở Crimea hay trên lãnh thổ Nga. "Vào sáng 13/9, lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công thành công nhằm vào tài sản hải quân và hạ tầng cảng... tại xưởng tàu ở Sevastopol", quân đội Ukraine thông tin trên Telegram.
Đây có thể là vụ tấn công lớn nhất của Kyiv nhằm vào Crimea - bán đảo mà Nga sáp nhập năm 2014, kể từ khi chiến sự bùng nổ hồi tháng 2.2022. Hiện chưa rõ loại tên lửa nào đã được Kyiv sử dụng trong vụ tấn công Sevastopol, nơi cách cảng Odessa ở miền Nam Ukraine khoảng 300 km.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một xưởng tàu ở Sevastopol đã bốc cháy vào sáng sớm 13/9, sau khi Ukraine tấn công cơ sở này bằng tên lửa và tấn công các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen bằng thuyền không người lái khi chúng đang di chuyển trên biển.
Bộ này đồng thời cho hay hệ thống phòng không Nga đã tiêu diệt 7 trong số 10 tên lửa hành trình nhắm vào xưởng tàu Ordzhonikidze, đồng thời tàu tuần tra Vasily Bykov đã phá hủy toàn bộ 3 thuyền không người lái của Ukraine. Do trúng tên lửa, 2 tàu đang được sửa chữa tại xưởng đã bị hư hại. Trong khi đó, lãnh đạo Sevastopol - ông Mikhail Razvozhayev cho biết khoảng 24 người bị thương trong vụ tấn công, nhưng thành phố không đối mặt với mối nguy nào.
Ukraine tuyên bố bắt đầu "chiến tranh" với đồng minh quan trọng
Báo Vesti của Ukraine cho biết Ukraine và Ba Lan đã bắt đầu một “cuộc chiến tranh nông nghiệp” do Warsaw có thể cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Vesti giải thích rằng “mầm mống bất hòa” bắt nguồn từ mùa xuân năm nay, khi nông dân Ba Lan đình công do giá ngũ cốc giảm gần một nửa. Nguyên nhân là do việc nhập khẩu ngũ cốc rẻ hơn từ Ukraine vào nước này. Ngoài ra, trước thềm bầu cử sớm, các chính trị gia Ba Lan thường lớn tiếng về mối quan hệ với Ukraine trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một ngày trước đó, có thông tin cho rằng Nội các Ba Lan đã ra nghị quyết cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine sau ngày 15/9, bất chấp quyết định của Ủy ban Châu Âu (EU).
Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết ông đã gửi tối hậu thư tới EC về vấn đề gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Robert Telus cho biết Ba Lan, Slovakia, Bulgaria, Hungary và Romania sẽ kháng cáo lên Ủy ban châu Âu gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ quốc gia hậu Xô Viết này cho đến cuối năm nay.
Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố rằng Kiev hoàn toàn không đồng ý với những kế hoạch như vậy; chính quyền nước này kêu gọi lãnh đạo EU tìm ra “giải pháp cân bằng”.
Phương Uyên (T/h)