Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức Ukraine mới nhất ngày 13/9: Ukraine tịch thu khí tài quan trọng tại giàn khoan gần Crimea

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 13/9/2023. Cập nhật tin tức tình hình Ukraine mới nhất ngày 13/9/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật

Ukraine tịch thu khí tài quan trọng tại giàn khoan gần Crimea

Cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR) hôm 11/9 thông báo, lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát giàn khoan có tên gọi "Tháp Boiko" trong một "chiến dịch đặc biệt". Trong quá trình giao tranh, đặc nhiệm nước này đã thu được chiến lợi phẩm có giá trị từ Nga, là radar Neva-B. Dòng radar này được thiết kế để truy dò, tìm kiếm mục tiêu nổi trên mặt nước.

Trong đoạn video GUR đăng trên mạng xã hội, có thể thấy các binh sĩ Ukraine tịch thu radar tìm kiếm mặt nước Neva-B được lắp trên đỉnh của một giàn khoan. Công ty xuất khẩu vũ khí do nhà nước Nga kiểm soát Rosoboronexport cho biết Neva-B là sản phẩm của nhà thầu Morskiye Kompleksy i Sistemy ở Saint Petersburg.

Ukraine tịch thu radar Neva-B của Nga. Ảnh: GUR

Radar Neva-B có thể giám sát suốt ngày đêm trên các địa điểm có địa hình trải rộng, bao gồm cả mặt biển và mặt đất bằng phẳng. Chúng có khả năng phân biệt và phát hiện chính xác mục tiêu di chuyển trên khu vực có nhiều vật thể qua lại.

Radar Neva-B lắp đặt trên các nền tảng ở ngoài khơi có thể tự động tìm kiếm và theo dõi tới 200 mục tiêu cùng lúc. Đối với các mục tiêu lớn như tàu tuần dương hoặc tàu chở dầu, phạm vi phát hiện cách 55km. Đối với các mục tiêu trung bình như xuồng tuần tra và xuồng tên lửa, con số này là 35km, và 15km với mục tiêu nhỏ như các xuồng bé.

Nga chưa bình luận chính thức về thông tin Ukraine giành lại giàn khoan. Nếu Nga thực sự mất radar Neva-B, đây sẽ là thiệt hại không nhỏ với khả năng theo dõi của Moscow với khu vực Biển Đen gần Crimea, vì đây là hệ thống đóng vai trò như "mắt thần" ở một khu vực bán kính tương đối rộng.

Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo, những vũ khí của Nga bị Ukraine thu giữ có thể trở thành "mỏ vàng" cho giới tình báo Mỹ. Nếu Kiev phát hiện ra bất cứ hệ thống lưu trữ dữ liệu hoặc phần mềm còn hoạt động trên thiết bị họ thu được, thì điều này có thể cung cấp các thông tin rất quan trọng về cơ chế hoạt động của khí tài tác chiến điện tử hàng đầu trong kho vũ khí Nga.

Bên cạnh đó, các thành phần như vi mạch, chip, thiết bị điện tử trên RTU 518-PSM có thể cung cấp góc nhìn toàn diện hơn về vũ khí Nga. Trước đó, phía Ukraine và Mỹ phát hiện ra Nga phụ thuộc khá lớn vào linh kiện nước ngoài để chế tạo vũ khí chính xác cao nhờ mổ xẻ các khí tài tịch thu được trên chiến trường từ Moscow.

Ba Lan gia hạn cấm ngũ cốc Ukraine

"Bất kể các quyết định tiếp theo của Ủy ban châu Âu (EC) là gì, chúng tôi sẽ không mở cửa biên giới đối với ngũ cốc Ukraine sau thời điểm đó (ngày 15/9)", chính phủ Ba Lan cho biết hôm 12/9.

Trước đó ngày 2/5, Liên minh châu Âu (EU) đã  cho phép 5 nước thành viên Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, dầu hạt cải và hạt hướng dương Ukraine trong nước, song cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh để xuất khẩu đi các nơi khác, kể cả các nước EU.

Ba Lan gia hạn cấm ngũ cốc Ukraine. Ảnh: Getty Images

EC hôm 5/6 cho biết thỏa thuận này sẽ được gia hạn tới ngày 15/9 và các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine sẽ dần được loại bỏ vào ngày này. Tuy nhiên, Ba Lan kỳ vọng lệnh cấm vẫn có thể được duy trì ở cấp EU.

"Nếu Brussels không duy trì lệnh cấm vận, chúng tôi sẽ tự đưa ra các biện pháp của mình. Lợi ích của vùng nông thôn Ba Lan là điều quan trọng nhất với chúng tôi", thông báo từ Warsaw nêu rõ.

Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal hôm nay nói Kiev đang cân nhắc hành động pháp lý với Ba Lan. Ông cho hay: "Chúng tôi không có ý định làm hại nông dân Ba Lan. Nhưng trong trường hợp có vi phạm luật thương mại vì lợi ích của chủ nghĩa dân túy trước bầu cử, Ukraine sẽ buộc phải tìm đến tòa trọng tài Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu bồi thường”.

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen bị gián đoạn kể từ khi Nga mở chiến dịch hồi tháng 2/2022, khiến Kiev càng phụ thuộc vào các tuyến vận chuyển qua Đông Âu. Ngũ cốc Ukraine sau đó được vận chuyển qua EU đến các quốc gia khác, trong đó có châu Phi.

EU hồi tháng 6/2022 bỏ tất cả thuế và hạn ngạch với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 quốc gia thành viên, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nước này. Tuy nhiên, lượng lớn ngũ cốc Ukraine kẹt lại ở các nước Đông Âu. Nông dân Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania cáo buộc nguồn ngũ cốc giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine là nguyên nhân gây khó khăn cho sản phẩm nội địa.

Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania đều đã đề nghị EU gia hạn lệnh cấm. Ngũ cốc Ukraine còn là vấn đề nhạy cảm ở Ba Lan, trong bối cảnh nước này tổ chức bầu cử vào tháng 10. Chính phủ dân túy cánh hữu của đảng Pháp luật và Công lý được các vùng nông nghiệp ở Ba Lan ủng hộ mạnh.

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật