Lào Cai: Thiếu nữ 15 tuổi bị bán vào "động quỷ"
Ngày 28/8, Công an TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đang điều tra 3 đối tượng gồm: Hoàng Đình Huân (26 tuổi, trú tại Lào Cai), Lê Đức Long (20 tuổi, trú tại Phú Thọ) và Nguyễn Thị Hồng (31 tuổi, trú tại Yên Bái) để làm rõ đường dây mua bán trẻ em dưới 16 tuổi để đưa vào “động mại dâm” trên địa bàn.
Các đối tượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Huân và Long bị tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra, riêng Hồng được gia đình bảo lãnh do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Trước đó, tối muộn 25/8, Công an TP.Lào Cai nhận được công văn của phòng LĐ-TB&XH TP.Lào Cai, thông báo về việc có một bé gái đang cư trú trên địa bàn gửi lời cầu cứu đến Tổng đài 111 của Cục trẻ em thuộc bộ LĐ-TB&XH.
Theo trình bày, bé gái tên N.T.N. (15 tuổi, quê Thanh Hóa) bị một đối tượng nam giới đưa từ tỉnh Vĩnh Phúc lên TP.Lào Cai, sau đó ép bán vào một đường dây mua bán dâm.
Nhận được thông tin, lãnh đạo Công an TP.Lào Cai đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự, Công an phường Cốc Lếu phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ tập trung lực lượng xác minh, triệu tập những người có liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thị Hồng và Hoàng Đình Huân là hai người trực tiếp thực hiện hành vi mua bán bé N..
Làm việc với cơ quan chức năng, 2 đối tượng khai nhận, ngày 19/8, thông qua mạng xã hội, cả hai thống nhất và chuyển khoản 12 triệu đồng cho Lê Đức Long để mua cháu N. với mục đích đưa cháu về làm gái bán dâm.
Sau đó Huân đưa cháu N. về ở tại số nhà 032, đường Lê Văn Hưu (phường Cốc Lếu, TP.Lào Ca) để phục vụ cho hoạt động bán dâm cùng nhiều cô gái tại đây.
Trong các ngày 21/8 và 22/8, cháu N. đã phải tiếp khách hai lần. Toàn bộ số tiền có được từ việc mua bán dâm nêu trên đều bị Hồng thu giữ.
Ngày 25/8, lợi dụng sơ hở, N. bỏ trốn và được người dân giúp đỡ trình báo tới cơ quan chức năng.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng TP.Lào Cai tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Buộc thôi việc nữ công chức vi phạm trong công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19
Mới đây, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đã ký, ban hành quyết định số 1983/QĐ-UBND về việc kỷ luật công chức đối với bà N.T.C. (công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường Vĩnh Phúc) bằng hình thức "buộc thôi việc".
Theo nội dung quyết định, bà C. bị buộc thôi việc vì đã để xảy ra vi phạm trong công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại phường Vĩnh Phúc.
Như tin đã đưa, mới đây, báo chí phản ánh tại UBND phường Vĩnh Phúc có tình trạng tiêm vắc xin phòng COVID-19 "thần tốc". Cụ thể, nếu người dân bỏ một khoản phí nhất định "bồi dưỡng" cho một số trường hợp tại phường thì sẽ không phải chờ đợi mà được hưởng đặc quyền "nay đặt lịch, mai tiêm luôn".
Thông tin cho biết, để tiêm nhanh vắc xin phòng COVID-19, mỗi người phải nộp một khoản phí "bồi dưỡng" từ 800 nghìn đến một triệu đồng. Số tiền này được nộp cho một người phụ nữ (gần 30 tuổi, chưa rõ danh tính). Sau khi nhận tiền, người phụ nữ này sẽ sắp xếp giấy hẹn và lịch tiêm.
Những người ngoài địa bàn có nhu cầu tiêm được nữ cán bộ trên "gắn" vào các công ty, đơn vị kinh doanh trên địa bàn để "hợp thức hóa".
Ngay sau khi báo chí phản ánh vụ việc này, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với bà N.T.C. để phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP yêu cầu Công an TP khẩn trương tiến hành xác minh làm rõ sự việc. Nếu có vi phạm như báo phản ánh phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, tuyệt đối không để vi phạm này ảnh hưởng đến uy tín và công sức của cả thành phố trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 thời gian qua. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội và UBND quận Ba Đình khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ.
TP.HCM: Một phường bị "bom" 100 đơn hàng/ngày khi đi chợ hộ
Cán bộ phường xã tất bật với hàng nghìn đơn hàng đi chợ hộ. Ảnh: Tri thức Trực tuyến
Trưa ngày 28/8, trả lời PV tờ VTC News, ông Phạm Thanh Phương - Chủ tịch UBND phường An Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, phường đã cơ bản giải quyết xong các đơn hàng bị "bom" trong những ngày nhận đi chợ hộ.
Theo ông Phương, trong 5 ngày triển khai việc đi chợ hộ giúp người dân, nhiều phường tại TP.HCM phải loay hoay xử lý khi có hàng trăm đơn hàng bị "bom". Tại phường An Phú, riêng ngày 27/8 đã có tới 100 đơn hàng bị "bom" trong ngày. Tình trạng chung của các đơn hàng bị "bom" là gọi không nghe máy. Số ít lại nói "đặt thử xem có được không chứ không mua", hoặc thẳng thừng trả lời "không mua nữa".
Về lý do lượng "bom" hàng nhiều, ông Phương cho rằng, do không có sự ràng buộc bởi người mua đăng ký qua phiếu và ship COD (giao hàng - thu tiền hộ) nên họ thản nhiên huỷ đơn.
"Hiện chúng tôi đã cơ bản xử lý xong cả rồi. Xử lý bằng cách sang nhượng lại các đơn hàng cho người khác. Vì sợ hàng hoá hư hỏng, hôm qua, đến hơn 23h chúng tôi vẫn đến các chung cư, hộ gia đình để bán tháo hàng nhằm thu hồi vốn. Biết được tình trạng và cái khó của phường, nhiều người dân cũng rất dễ chịu và mua lại số hàng đó", báo VTC News dẫn lời ông Phương.
Theo tờ Tri thức Trực tuyến, trước đó, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết nhiều phường ở TP.HCM phản ánh có tình trạng người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ. Khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là đặt thử xem có thật không.
Trước tình trạng này, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đề nghị người dân "không thử nữa" mà chỉ liên hệ khi thật sự cần. Các cán bộ tham gia chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu rất vất vả. Do đó, ông mong muốn công sức đó cần dành để giúp đỡ những người thực sự khó khăn.
Được biết, từ ngày 23/8, việc đi chợ cho người dân TP.HCM do phường, xã trực tiếp đảm nhận. Đa số các lực lượng phụ trách của phường, xã khi nhận đi chợ hộ sẽ có 2 cách: Nhận chuyển khoản trước và người dân trả tiền sau.
Quảng Ngãi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 9 địa phương từ 12h ngày 28/8
Ngày 28/8, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký ban hành Quyết định hỏa tốc thay đổi biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, theo ghi nhận của Tiền Phong.
Theo đó, kể từ 12h ngày 28/8, 9 địa phương bao gồm: huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, thị xã Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi sẽ áp dụng biện pháp chống dịch ở mức "nguy cơ rất cao" và giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/TTg trong thời gian 14 ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà từ 20h ngày hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau, trừ các trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp, như: Cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ thiết yếu.
Các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, đám cưới, mừng nhà mới, thôi nôi, sinh nhật… cũng tạm dừng. Đám tang được tổ chức nhưng không quá 10 người tham dự, phải được cơ quan y tế địa phương tổ chức giám sát nghiêm ngặt.
Các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, đám cưới, mừng nhà mới, thôi nôi, sinh nhật… cũng tạm dừng. Đám tang được tổ chức nhưng không quá 10 người tham dự, phải được cơ quan y tế địa phương tổ chức giám sát nghiêm ngặt.
Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải dừng hoạt động. Các chợ tự phát, mua, bán trên vỉa hè, lòng, lề đường cũng bị cấm hoạt động.
Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đối với các địa phương nêu trên. Phương tiện giao thông đường bộ được đi qua nhưng không được dừng, đỗ đón trả khách và giao nhận hàng hóa (trừ trường hợp hàng hóa thiết yếu).
Bên cạnh 9 địa phương thực hiện Chỉ thị 16, các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Lý Sơn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 26/6 đến nay, địa phương này ghi nhận 570 ca COVID-19.
Bạch Hiền (t/h)