Quảng Ngãi: Xử lý nghiêm vụ tài xế mắc COVID-19 "vui vẻ" với gái bán dâm ở nhà nghỉ
Nhà nghỉ Thủy Tiên- nơi 2 ca F0 thực hiện hành vi mua dâm. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Tại cuộc họp khẩn chiều ngày 27/8, ông Đặng Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các ngành, địa phương rà soát, kiểm tra tất cả cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp nào hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.
Cũng tại buổi họp, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi ông Minh giao cho Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi xử lý, kiểm điểm người đứng đầu UBND phường Nghĩa Chánh và Nghĩa Lộ trong việc làm phát sinh dịch bệnh liên quan đến vụ việc hai ca F0 là tài xế xe tải đường dài từng "vui vẻ" với gái bán dâm ở nhà nghỉ.
Trước đó, ngày 26/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ngãi, xác định hai tài xế xe tải tên V.N.K. (ngụ xã Trà Bình, huyện Trà Bồng) và L.D.S. (ngụ xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) mắc COVID-19 từng tiếp xúc nhiều người.
Đáng chú ý, trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, 2 người này đã đi gội đầu, "vui vẻ" với gái bán dâm ở nhà nghỉ.
Theo điều tra dịch tễ, khoảng 20h ngày 21/8, 2 tài xế lái xe tải rời TP.HCM đến TP.Nha Trang (Khánh Hòa) lúc 4h ngày 22/8, được test nhanh và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Đến tối 23/8, 2 ca F0 này nhậu trên xe tải cùng với 2 tài xế khác. Đến 20h cùng ngày, anh S. gọi taxi đến chở nhóm tài xế này đến nhà nghỉ Thủy Tiên ở đường Trần Tế Xương, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi để nghỉ qua đêm.
Tại đây, họ đã gọi 3 cô gái đến “vui vẻ”. Sáng 24/8, nhóm tài xế này đi taxi về nơi đỗ xe ở khu vực chợ tạm đường Phạm Văn Đồng, TP.Quảng Ngãi.
Chiều cùng ngày, tài xế L.D.S. và V.D.K. thấy trong người mệt mỏi nên gọi taxi chở đến nhà nghỉ Quý Đức nghỉ ngơi.
Sau khi ghé tiệm tóc Hoài Thương để gội đầu, họ gọi taxi chở đến Bệnh viện tư nhân Phúc Hưng để lấy mẫu xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Nghệ An: Can chồng đi uống rượu không được, thai phụ ăn lá ngón tự tử
Sáng ngày 27/8, trả lời PV báo Dân Trí, ông Cụt Văn May, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ một người phụ nữ tự tử. Nguyên nhân được xác định do mâu thuẫn với chồng, một người phụ nữ đang mang thai đã liều mình ăn lá ngón tự tử.
Nạn nhân là chị L.Th.U (SN 2002), trú tại bản Phia Khăm 2, xã Bắc Lý.
Trước đó, chiều ngày 26/8, chồng của L.T.U là L.V.T.( SN 2001) đi uống rượu trong bản. Thấy chồng đi uống rượu, chị U. khuyên ngăn chống không được đi, nên hai bên xảy ra mâu thuẫn cãi vã.
Đến 16h30 cùng ngày, anh T. đi uống rượu về thì không thấy vợ ở nhà nên đã đi tìm thì phát hiện chị U. tử vong do ăn lá ngón tự vẫn trên đường lên C5 (khu sản xuất của đồng bào trên địa bàn xã).
Được biết, hai vợ chồng T. mới cưới nhau, L.T.U. đang mang thai con đầu lòng ở tháng thứ 6. Sau khi cưới nhau, anh T. đã sang bản Phia Khăm 2 ở rể theo phong tục địa phương.
Hiện, thi thể của nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình mai táng theo phong tục địa phương.
Vaccine Nano Covax được Hội đồng đạo đức thông qua, chờ cấp phép khẩn cấp
Nano Covax là vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Người Lao Động
Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã chấp thuận kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen.
Hiện toàn bộ hồ sơ, dữ liệu đã được chuyển sang Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bộ Y tế để xem xét trước khi Bộ có quyết định cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vaccine này.
Thời gian để cấp giấy đăng ký cho một loại vaccine đủ điều kiện lưu hành là trong vòng 20 ngày. Tuy nhiên, nếu vaccine Nano Covax đảm bảo mọi yêu cầu đặt ra, thời gian cấp phép có thể ngắn hơn, thậm chí chỉ trong vòng dưới 1 tuần.
Theo thông tư 11 mới ban hành của bộ Y tế thì vaccine đủ điều kiện được cấp phép khẩn cấp có điều kiện khi đang thử nghiệm lâm sàng và đã có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3. Kết quả này được đánh giá về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch.
Công tác cấp phép sẽ dựa vào ý kiến tư vấn của Hội đồng Đạo đức và của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong tối đa 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục trưởng cục Quản lý Dược (bộ Y tế) sẽ cấp giấy đăng ký lưu hành vaccine.
Tuy nhiên, đơn vị đăng ký vẫn phải tiếp tục phối hợp với cơ sở sản xuất thực hiện nghiên cứu lâm sàng và cập nhật dữ liệu lâm sàng theo hướng dẫn của bộ Y tế sau khi được cấp giấy lưu hành.
Trường hợp vaccine đã được cấp giấy đăng ký lưu hành nhưng cần đánh giá thêm về an toàn, hiệu quả, trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine có thể yêu cầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 4 tại Việt Nam.
Theo báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3a vaccine Nano Covax, đánh giá về tính an toàn và tính sinh miễn dịch cho thấy, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên ở Hà Nội và Long An.
Các tình nguyện viên được tiêm mũi 1 từ 8/6 và mũi 2 sau đó 28 ngày. Kết quả cho thấy, vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính an toàn.
Khả năng trung hòa virus sống của vaccine tại thời điểm ngày thứ 42 (14 ngày sau tiêm mũi 2) là 96,5%. Trung bình nhân hiệu giá kháng thể PRNT50 với chủng Vũ Hán là 63,5 trong khi ở nhóm giả dược là 5.
Gộp chung giai đoạn 2 và 3a, nhóm nghiên cứu kết luận trung bình nhân nồng độ kháng thể Anti-S-IgG đạt 57.56 U/ml, tăng gấp 218.93 lần sau 42 ngày tiêm vaccine. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt 99.2%.
Nhóm nghiên cứu kết luận vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch, từ đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vaccine Nano Covax.
Vaccine COVID-19 Nano Covax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu và sản xuất đang thử nghiệm giai đoạn 3.
Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM là 2 đơn vị được Hội đồng Đạo đức chấp thuận cho triển khai nghiên cứu, trong đó pha 3b triển khai tại 4 tỉnh gồm Hà Nội, Hưng Yên, Long An và Tiền Giang.
Đây là vaccine đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng trên người dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein và là 1 trong 15 vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Đại diện Nanogen thông tin, Nano Covax tổng hợp nhân tạo bằng cách lấy một đoạn ADN gai virus SARS-CoV-2 để tạo ra vaccine.
Lúc đầu, công ty có hai ứng viên là vaccine tiểu thể (sub-unit) dựa trên protein gai của SARS-CoV-2, và vaccine VLP (virus like particles), sử dụng công nghệ tái tổ hợp. Để đảm bảo tốc độ, Nanogen chọn làm vaccine tiểu thể, thành phẩm là Nano Covax.
Nano Covax được sản xuất qua 8 công đoạn, gồm: Vô trùng trang thiết bị, bao bì chứa; cân và pha chế; chiết rót và kiểm tra; siết nắp nhôm; soi cảm quan; in mã và cuối cùng là đóng gói thành phẩm. Tất cả công đoạn đều tuân theo quy trình nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bộ GTVT yêu cầu bãi bỏ quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa
Bộ GTVT vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.
Theo bộ GTVT, ngày 26/8, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 chủ trì cuộc họp với với Thành uỷ, UBND TP. HCM và các bộ, ngành liên quan. Tại cuộc họp, UBND thành phố đề nghị bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống nhất việc lưu thông hàng hoá.
"Hiện nay một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-COV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của bộ Y tế là 72 giờ. Bên cạnh đó, giấy xét nghiệm SARS-COV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công thương trước khi vào địa phương", công điện của bộ GTVT cho hay.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 1102/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Thủ tướng cũng giao bộ GTVT khẩn trương làm việc với các địa phương để thống nhất trong triển khai thực hiện bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định của Bộ GTVT về “Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19". Chỉ đạo rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/2021, văn bản số 1015/2021 của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19, văn bản số 5187/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.
"Các tỉnh, thành phố chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Báo cáo kết quả rà soát về bộ GTVT trước 15h00 ngày 28/8/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ", bộ GTVT yêu cầu.
Trước đó, bộ GTVT ghi nhận báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của bộ GTVT, ý kiến bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ Công Thương về việc xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ tại một số chốt kiểm soát dịch trên địa bàn một số tỉnh, thành phố gây ùn ứ, vướng mắc đối với vận chuyển, lưu thông hàng hóa hoặc gây khó khăn cho lái xe, doanh nghiệp.
Có 8 tỉnh, thành phố ban hành các quy định gây ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ, gồm: TP Cần Thơ, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang và Bạc Liêu.
Bạch Hiền (t/h)