Kiến nghị nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine cho trẻ em từ tháng Tư
Ngày 26/3, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em do Australia viện trợ.
TTXVN cho hay, theo báo cáo, Bộ Y tế và Đại sứ quán Australia đã có buổi họp vào ngày 22/3. Tại buổi làm việc này, phía Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, chịu trách nhiệm vận chuyển và chi trả chi phí vận chuyển về Việt Nam.
Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.
Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phía Australia sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vaccine để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.
Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế tiếp nhận 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai tiêm từ đầu tháng 4/2022; giao Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thúc đẩy phía Australia sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hồ sơ kỹ thuật để cấp phép sử dụng và sớm vận chuyển vaccine về nước để triển khai tiêm chủng.
Bộ Y tế sẽ đề xuất số lượng vaccine cần mua thêm (nếu cần thiết) để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi rà soát, dự báo tình hình tiêm vaccine của trẻ em và số lượng vaccine dự kiến được viện trợ.
Gần 1.000 y bác sĩ, tình nguyện viên Đà Nẵng tiếp sức F0 điều trị tại nhà
Tại Đà Nẵng, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà đang nhận được những phản hồi tích cực sau gần 2 tháng hoạt động.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Anh Đào (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Đà Nẵng) cho biết trên Pháp luật TP.HCM, hiện mạng lưới có gần 1.000 thành viên, bao gồm y bác sĩ và tình nguyện viên tại Đà Nẵng.
Các thành viên chia thành 10 nhóm phụ trách bảy quận, huyện. Mỗi nhóm đảm nhiệm một quận, huyện, riêng Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ có số lượng F0 tăng cao nên mỗi quận có hai nhóm tư vấn.
Một buổi tư vấn online cho F0 đang điều trị tại nhà của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tại Đà Nẵng. (Ảnh: PLO)
Ngay khi y tế cơ sở cung cấp thông tin về F0, các thành viên sẽ chủ động gọi điện, hỏi cụ thể tình trạng hiện tại để có những tư vấn chuẩn xác nhất cho bệnh nhân, kịp thời phát hiện các trường hợp cần can thiệp y tế, chuyển viện nếu diễn biến nặng theo phân tầng điều trị. Đối với trường hợp nặng, các thành viên sẽ theo dõi sát sao, gọi điện tư vấn hàng ngày.
Phòng, chống dịch COVID-19 đối với người từ nước ngoài nhập cảnh vào tỉnh Thanh Hóa
Sở Y tế Thanh Hoá vừa có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với người từ nước ngoài nhập cảnh vào tỉnh Thanh Hóa, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nhập cảnh vào địa bàn phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Cụ thể, đối với người nhập cảnh theo đường hàng không, phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt) nếu chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh thì phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 kể từ khi nhập cảnh). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
(Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Về khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định. Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Về theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng bệnh COVID-19, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh: tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu;tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời; thực hiện các biện pháp phòng bệnh: thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn. Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh: trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc gần với người xung quanh.
Việt Hương (T/h)