Bỏ hạn chế tần suất bay quốc tế từ 15/2
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết trên Trí thức trực tuyến, đơn vị đã thông báo cho nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ về việc Việt Nam gỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2. Tần suất bay sẽ trở lại bình thường như trước khi xảy ra dịch COVID-19.
"Quy định về nhập cảnh, phòng chống dịch với hành khách vào Việt Nam vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế", lãnh đạo Cục Hàng không lưu ý.
Quyết định này cho thấy ngành hàng không đã trải qua giai đoạn "thí điểm" bay quốc tế và đang chuyển sang mở cửa hoàn toàn thị trường. Đây là tin vui không chỉ với người Việt có nhu cầu hồi hương mà cả với các ngành nghề phục vụ khách nước ngoài.
Việc gỡ bỏ hạn chế với đường bay quốc tế là cơ hội để phục hồi du lịch. (Ảnh: Zing)
Tuy vậy, theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc triển khai các đường bay quốc tế thời gian tới vẫn phụ thuộc vào chính sách của nhà chức trách hàng không nước bạn.
Đơn cử, Trung Quốc đến nay vẫn chưa đồng ý đón các chuyến bay thương mại thường lệ từ Việt Nam. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đồng ý nối lại đường bay nhưng hạn chế đối tượng nhập cảnh để phòng chống dịch.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản giao Cục Hàng không nghiên cứu việc nối lại các đường bay quốc tế truyền thống như trước khi có dịch Covid-19, trên cơ sở trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước. Cục Hàng không được yêu cầu báo cáo lại kết quả trong tháng 2 để Bộ Giao thông Vận tải có cơ sở báo cáo Thủ tướng.
Công nhân là F1 vẫn được đi làm ở Bắc Giang
Theo Tuổi trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSXKD) và doanh nghiệp (DN).
Theo đó, các cơ sở thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như: ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Đối với xét nghiệm tầm soát định kỳ, do các CSSXKD/DN tự quyết định.
Các CSSXKD/DN được tuyển dụng không hạn chế lao động ngoại tỉnh. Trường hợp người đã được tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã điều trị khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng: Không phải cách ly y tế, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe. Các trường hợp chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng COVID-19: CSSXKD/DN đăng ký với Trung tâm Y tế các khu công nghiệp, Trung tâm Y tế huyện, thành phố trên địa bàn để thực hiện tiêm đủ mũi vắc xin.
Xét nghiệm COVID-19 trong khu công nghiệp.
Đối với các trường hợp F0: Các CSSXKD/DN phải bố trí một khu cách ly tạm thời. Khi phát hiện có F0, CSSXKD/DN phải báo ngay cho Trung tâm Y tế Khu công nghiệp hoặc Trung tâm y tế huyện/thành phố trên địa bàn để tiến hành truy vết và có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Nếu F0 là người ngoại tỉnh thì đưa vào Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của tỉnh (tòa nhà CT3 của Công ty Cổ phần phát triển FuJi Bắc Giang). CSSXKD/DN có trách nhiệm đưa F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ đi cách ly, điều trị; các trường hợp F0 còn lại, Trung tâm Y tế Khu công nghiệp có trách nhiệm bố trí xe chuyên dụng để đưa F0 đi điều trị.
Nếu F0 là người trong tỉnh không triệu chứng và mức độ nhẹ, thì về địa phương nơi lưu trú cách ly, điều trị; tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện do doanh nghiệp bố trí; trước khi về địa phương nơi lưu trú, người lao động phải ký cam kết với CSSXKD/DN về việc tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh trong quá trình di chuyển.
UBND TP.HCM đề xuất một số cơ chế thí điểm ở tuyến y tế cơ sở
Sáng 13/2, HĐND TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Y tế cơ sở - Sức khỏe cộng đồng”.
Sau khi nghe trình bày nhiều nội dung liên quan y tế phường, xã, thị trấn, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị lãnh đạo sở, ban ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các giải pháp và đề án trình UBND TP.HCM để sớm có chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Ông Đức còn cho biết UBND TP.HCM cũng sớm hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn. Trong đó, tập trung mạng lưới tổ chức cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách thu hút bác sĩ (BS), nhân viên y tế về công tác tại các trạm y tế. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả mô hình BS gia đình.
UBND TP.HCM cũng trình HĐND TP xem xét thông qua các chính sách đặc thù về củng cố nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn. UBND TP cũng sẽ tập trung chỉ đạo ban ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các phần mềm, dữ liệu của ngành y tế.
Quản lý hồ sơ bệnh án tại các trạm y tế, đảm bảo liên thông tuyến trên đạt hiệu quả. Từng bước phát triển tốt mô hình BS gia đình. Bên cạnh đó, nghiên cứu mô hình hoạt động trạm y tế theo hình thức công-tư nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất có thể.
Việt Hương (T/h)