Theo tin tức trên Pháp luật TP.HCM, ngày 9/4, đội xử lý bom mìn lưu động của tổ chức MAG, cho biết vừa xử lý thành công quả bom nặng hơn 3 tạ được người dân phát hiện bên bờ suối trong lúc đi thăm rẫy.
Trước đó, ông Hoàng Quang Huy (ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), trong lúc đi thăm rẫy của gia đình vô tình phát hiện một quả bom lớn bên bờ suối nên đã trình báo với địa phương.
Theo ông Huy, vào năm 2012, ông cũng từng phát hiện quả bom lớn khác nằm gần vườn nhà mình.
Sau khi nhận được tin báo, đội xử lý bom mìn lưu động của tổ chức MAG đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và xác định đây là quả bom M117, nặng khoảng 360kg, với bán kính sát thương lên tới hơn 1,5km.
Lực lượng MAG di dời quả bom về nơi chờ hủy nổ tập trung. (Ảnh: PLO)
Sau khoảng 1 giờ 20 phút triển khai, quả bom đã được xử lý an toàn và vận chuyển về kho hủy nổ tập trung.
Theo tổ chức MAG, kể từ khi bắt đầu hoạt động tại Quảng Bình vào năm 2002, MAG đã tiếp nhận hơn 6.000 tin báo từ người dân về việc phát hiện vật liệu nổ trong lúc làm nương rẫy, xây dựng hoặc sinh hoạt hàng ngày.
Những tin báo này đã giúp MAG kịp thời di dời và xử lý an toàn hơn 57.600 vật liệu nổ ra khỏi khu vực sinh sống của người dân.
Theo tin tức trên Pháp luật TP.HCM, ngày 10/4, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) điều tra, làm rõ vụ việc một xe tải chở phân gà làm sập cầu sắt.
Thông tin ban đầu, khoảng 10h sáng cùng ngày, xe tải loại 3,5 tấn, biển số 49C-04952 do Đ.T.D (48 tuổi, ngụ xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc) chở phân gà từ hướng thôn 4 vào thôn 5 xã Lộc Phú.
Khi lưu thông qua cầu sắt Hàng Lang tại thôn 4, xã Lộc Phú đã làm sập một phần cầu.
Hiện trường vụ sập cầu sắt. (Ảnh: PLO)
Cầu không có biển báo tải trọng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an xã Lộc Phú có mặt giải tỏa hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Tin tức trên VnExpress, vào khoảng 15h ngày 9/4, tại xã Tam hợp, lốc xoáy quét qua bản Phồng và Xốp Nặm trong 30 phút. Gió trong lốc thổi mạnh khiến 25 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; cây cối và đường dây điện gãy đổ.
Lốc kèm theo mưa đá, đường kính viên đá khoảng 1-2 cm, một số viên to bằng ngón tay cái làm thủng nhiều mái nhà dân. Sau khi mưa tạnh, lượng đá rải thành lớp dày bên rãnh thoát nước.
Cùng thời điểm trên, xã Tam Quang cũng có mưa đá kéo dài trong 25-30 phút. Hàng chục nhà dân, lớp học tại các điểm trường trên địa bàn bị tốc mái, hư hỏng, cuộc sống của người dân đảo lộn do mất điện.
Chính quyền huyện Tương Dương giao cán bộ các xã thống kê thiệt hại cụ thể. Lực lượng công an, biên phòng, dân quân tự vệ được huy động tới hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống.
Cây cối gãy đổ sau trận lốc. (Ảnh: VNE)
Mưa đá thường xuất hiện ở miền Bắc và Trung vào thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh (tháng 9-11) và từ lạnh sang nóng (tháng 3-5). Huyện Tương Dương địa hình núi cao, rừng đan xen, là điều kiện lý tưởng cho đối lưu phát triển mạnh, hình thành mây vũ tích và gây ra mưa đá.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 8-9/4, khu vực Thanh Hóa - TP.Huế được cảnh báo mưa rào, giông và khả năng xảy ra mưa đá, tố, lốc.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh mưa đá, giông lốc trong giai đoạn giao mùa hiện nay do chưa thể dự báo chính xác thời gian và địa điểm xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm này.
Khi thấy mây đen kéo đến, người dân cần nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không đứng dưới gốc cây để tránh nguy cơ bị sét đánh hoặc cây đổ. Đối với cây trồng và hoa màu dễ bị hư hại do mưa đá, các gia đình có thể dựng giàn che dọc theo luống. Giàn nên thiết kế dạng mái hình tam giác để giảm thiểu tác động trực tiếp của hạt mưa đá khi va chạm, giúp đá rơi xuống hai bên luống mà không làm thủng giàn che.