Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/10/2020: Da mặt như “bánh đa vừng đen” vì bôi kem trộn làm trắng

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 8/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 8/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Da mặt như “bánh đa vừng đen” vì bôi kem trộn làm trắng

Sau một thời gian sử dụng kem trộn, da mặt bệnh nhân bị sạm đen, lỗ chỗ. (Ảnh: BSCC).

ThS. BS Lê Thị Mai, khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cho biết trên báo Dân Trí, bệnh nhân đến khám trong tình trạng da mặt tăng giảm sắc tố sau 6 tháng sử dụng kem trộn. Trên cùng khuôn mặt, làn da của bệnh nhân như cái bánh đa vừng đen, chỗ trắng, chỗ sạm đi.

Bệnh nhân khá tự ti, chán nản và không kém phần lo sợ. Lúc này, chị quyết định ngừng bôi kem do cơ sở spa bán. Sau đó, chị bắt đầu bị ngứa ngáy không chịu nổi, nổi mẩn nhiều hơn, da sạm đen đi nên đến Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) khám.

Mới đầu, khi bôi loại kem trộn cơ sở bán cho chị thấy rất hài lòng vì làn da trắng và mịn rất nhanh. Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng, da của chị dần mỏng, các mạch máu nổi rõ trên khuôn mặt. Đặc biệt, da chị rất dễ bị kích ứng, đỏ, sưng và ngứa.

Tự ti với khuôn mặt bị nám lốm đốm trên mặt, người phụ nữ quê Hải Dương tìm đến một cơ sở làm đẹp với lời quảng cáo sẽ biến “da cóc” thành “bạch tuyết”. Cơ sở cam kết chỉ sau 1 tháng sử dụng liệu trình chăm sóc của họ sẽ nhìn thấy hiệu quả, trong khi giá cả lại rất bèo.

Bệnh nhân được chỉ định dùng kem chống nắng 3 giờ/lần, bôi các sản phẩm chống viêm không chứa corticoid, kem giữ ẩm, kháng histamin đường toàn thân nhằm hạn chế các phản ứng viêm gây tiếp tục tăng sắc tố. Đồng thời, bệnh nhân cũng được sử dụng các liệu trình điều trị tại chỗ không xâm lấn để khắc phục tình trạng tăng sắc tố và mẩn ngứa.

Theo BS Mai, những trường hợp bị biến chứng do sử dụng sản phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc như trên không phải hiếm gặp. Việc khắc phục tình trạng tăng sắc tố do sử dụng kem trộn sẽ mất thời gian dài, trung bình từ 6 tháng đến 1 năm. Thậm chí với những trường hợp mất sắc tố thì việc chữa trị là không thể.

Các chất làm trắng da hoạt động bằng cách giảm sự hiện diện của sắc tố melanin trên da. Để thực hiện điều này, có một số cơ chế hoạt động có thể xảy ra như ức chế hoạt động của tyrosinase ( hoạt động xúc tác của tyrosinase bị ức chế bởi chất làm trắng da); ức chế sự biểu hiện hoặc kích hoạt tyrosinase, loại bỏ các sản phẩm trung gian của quá trình tổng hợp melanin. Ngoài ra, có thể ngăn chặn việc chuyển melanosome thành tế bào sừng, tiêu diệt trực tiếp các hắc tố hiện có, phá hủy tế bào hắc tố.

Các sản phẩm sử dụng làm trắng da thường chứa nồng độ khác nhau của hydroquinone, corticosteroid, thủy ngân và các tác nhân khác, chẳng hạn như axit salicylic, hypochlorite. Những hợp chất này gây tổn thương da nếu sử dụng không đúng. Cụ thể chất hydroquinone có thể gây tăng sắc tố, teo da, giãn mạch, mụn trứng cá nặng, mất độ đàn hồi của da, BS Mai cho biết.

Mặt khác, corticosteroid được hấp thụ nhanh chóng, lạm dụng có thể dẫn đến nhiễm nấm da, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc vô sinh. Việc sử dụng thủy ngân trong làm trắng da gây ra các vấn đề về thận, gan, thần kinh…

Một làn da đẹp là một làn da khỏe mạnh, mịn màng. Do đó, chị em cần đến các cơ sở chăm sóc da uy tín để được tư vấn và chăm sóc da đúng để cải thiện và giữ gìn làn da đẹp.

Người phụ nữ chịu khổ suốt 43 năm vì bị rò rỉ nước tiểu do bệnh hiếm gặp

Chị K. hồi phục tốt sau phẫu thuật. (Ảnh: Vietnamnet) 

Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết trên VietNamnet, đơn vị vừa phẫu thuật chấm dứt tình trạng 43 năm tiểu không kiểm soát cho một nữ bệnh nhân.

Từ lúc mới sinh, chị K. (ngụ huyện Bình Tân, Vĩnh Long) đã rò rỉ nước tiểu liên tục, phải mang tã lót suốt ngày đêm, lớn lên phải dùng băng vệ sinh, chữa nhiều nơi nhưng không hết.

Cách đây 10 năm, chị K. đi phẫu thuật tại một bệnh viện nhưng không cải thiện. Người phụ nữ này phải chấp nhận sống chung với tình trạng rỉ nước tiểu, ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng cuộc sống.

Gần đây, chị K. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có thận đôi, một niệu quản phía trên giãn đến bàng quang nhưng không rõ vị trí cắm; thận ứ nước, niệu quản giãn đường kính đến 13 mm (bình thường là 5 mm)... Bệnh nhân tiểu không kiểm soát do niệu quản đôi lạc chỗ.

Bác sĩ phẫu thuật, cắt nối niệu quản, cắm lại niệu quản lạc chỗ vào bàng quang để chấm dứt tình trạng tắc nghẽn và rỉ nước tiểu liên tục của bệnh nhân.

Hiện, bệnh nhân không còn rò rỉ nước tiểu, bụng mềm, không đau, vết mổ khô, thận hết ứ nước.

Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu cho biết, niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh khá hiếm gặp, trung bình cứ 2.000 trẻ mới có 1 em mắc bệnh. Tỷ lệ bé gái mắc bệnh nhiều hơn và chủ yếu là xuất phát từ cực trên thận đôi có 2 niệu quản và một niệu quản cắm vị trí bất thường.

Người bệnh niệu quản lạc chỗ sẽ có các triệu chứng tiểu rỉ, tiểu thành bãi… Niệu quản lạc chỗ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thận.

"Tình trạng niệu quản lạc chỗ cần được phát hiện sớm ngay khi mới sinh hoặc còn nhỏ để tránh biến chứng và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh chủ yếu điều trị bằng phẫu thuật để giải quyết căn nguyên. Do đó, bệnh nhân cần đến khám các thầy thuốc chuyên khoa để có chỉ định điều trị đúng", bác sĩ Lộc nói.

Khó nuốt khi ăn, cụ bà không ngờ mắc ung thư tuyến giáp

Bệnh nhân L.T.T (nữ, 68 tuổi, địa chỉ Thanh Trì, Hà Nội) vào bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp (Hà Nội) khám với biểu hiện nuốt khó. Bệnh nhân được các bác sĩ khám và làm các xét nghiệm, kiểm tra siêu âm. Trên hình ảnh siêu âm tuyến giáp cho thấy, hình ảnh nhân thùy phải – nang thùy trái tuyến giáp dạng hỗn hợp âm bờ và ranh giới không rõ. Chọc hút tế bào tại vị trí khối u tuyến giáp cho kết quả là carcinoma tuyến giáp - loại thường gặp nhất của ung thư tuyến giáp.

Sau khi hội chẩn, các sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật. Để tìm phương pháp điều trị tốt nhất và ổn định lâu dài cho bệnh nhân, bác sĩ thống nhất chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch vùng cổ cho người bệnh.

Kíp phẫu thuật gồm ThS.BS Nguyễn Đình Lâm, BS. Lương Thành Đạt và kíp gây mê thực hiện. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật chỉ sau 24h nhập viện.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ kiểm tra thấy toàn bộ 2 thùy tuyến giáp rất nhiều nhân cứng chắc, thùy tuyến dính nhiều tổ chức xung quanh dính chặt vào khí quản, có 1 vài hạch vùng. Các bác sĩ tiến hành bóc tách cẩn thận từng thùy tuyến, cố gắng bằng mọi giá lấy hết được tổ chức ung thư và hạch vùng giúp tiên lượng cho bệnh nhân tốt nhất sau mổ.

Sau mổ, bệnh nhân ổn định, không khàn tiếng, không tê tay và được xuất viện sau 4 ngày điều trị. Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc uống, dặn dò thay băng và tái khám cẩn thận chu đáo để hiệu quả điều trị đạt kết quả tốt nhất.

ThS.BS Nguyễn Đình Lâm - Khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Nông Nghiệp cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính chiếm 1-2% trong tất cả các loại ung thư. Điều may mắn là căn bệnh này có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%, đây được cho là bệnh có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất so với các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Trong bệnh lý ung thư tuyến giáp thì phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp quan trọng nhất. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ được coi là phương pháp điều trị tối ưu.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ bởi vì bệnh có thể tái phát sau điều trị. Các xét nghiệm chính cần làm trong quá trình theo dõi bệnh là siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu. Bên cạnh đó bệnh nhân phải dùng thuốc hormone tuyến giáp từ sau khi mổ cắt tuyến giáp đến hết đời. Liều thuốc hormone phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh.

Tiên lượng của ung thư tuyến giáp là rất tốt, đặc biệt là ở những bệnh nhân dưới 45 tuổi và có u kích thước nhỏ. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú như xâm lấn ra ngoài phạm vi tuyến giáp có tiên lượng tốt nhất.

Thông thường, thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân trong vòng 10 năm là 100%, tỷ lệ chết do bệnh ung thư tuyến giáp là rất thấp. Đối với bệnh nhân trên 45 tuổi, u kích thước lớn và xâm lấn thì tiên lượng vẫn khá tốt tuy nhiên tỷ lệ tái phát ở nhóm này cũng khá cao.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật