Sỏi to bằng viên bi nằm trong hốc mũi thanh niên 21 tuổi
Báo Đồng Nai đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa xử lý thành công trường hợp bị sỏi trong hốc mũi rất hiếm gặp. Cụ thể, nam bệnh nhân N.G.L (21 tuổi, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau nhiều nửa đầu, chảy nước mũi màu vàng, hôi.
Qua nội soi, bác sĩ phát hiện trong hốc mũi phải của người bệnh có một khối rất cứng, nằm ở sàn mũi phải. Kết hợp chụp CT, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sỏi rất hiếm gặp ở vùng mũi xoang với tỷ lệ 1/10 ngàn người. Ngay sau đó, bác sĩ đã nội soi lấy hết toàn bộ khối sỏi ra ngoài. Khối sỏi có đường kính 1cm, to gần bằng viên bi.
Khối sỏi được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: Báo Đồng Nai
Theo ThS.BS BS Nguyễn Thị Thanh Yến, khoa Tai mũi họng Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, khi nghĩ đến bệnh sỏi, thông thường sẽ nhắc đến sỏi thận, sỏi mật, sỏi gan, còn sỏi mũi, sỏi amidan trong tuyến nước bọt là bệnh lý rất hiếm gặp.
Sỏi mũi hình thành do nhiều nguyên nhân, có thể do dị vật bên ngoài lọt vào và mắc kẹt lâu ngày hình thành sỏi hoặc có thể do canxi lắng đọng hình thành sỏi. Với sỏi ở mũi, bệnh thường có biểu hiện triệu chứng như ngạt mũi một bên kèm chảy nước mũi màu vàng, xanh, đôi khi lẫn máu, có mùi hôi rất dễ nhầm lẫn với mắc dị vật vùng mũi hoặc nhầm với những bệnh ung thư vùng mũi xoang.
Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường như trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp, tránh để lại những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau này.
Bé gái nhập viện cấp cứu sau khi đi vệ sinh
Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, bệnh nhi N.T.M (13 tuổi) đi vệ sinh với tư thế ngồi xổm, không may trượt chân ngã khiến vùng kín đập mạnh vào thành bệ xí ngồi bệt. Chỉ sau 15 phút, khối sứng đau âm hộ to dần. Bệnh nhi được đưa đến một bệnh viện đa khoa ở Hà Nội cấp cứu trong tình trạng vùng kín sưng, máu tụ lớn, bầm tím và cảm giác đau nhức ở âm hộ.
Qua thăm khám và chụp CT, bệnh nhi được chẩn đoán có một khối máu tụ kích thước 8x8cm vị trí môi lớn bên phải âm hộ. Ngay lập tức, bác sĩ CKII Đỗ Văn Tú đã tiến hành xử lý bằng cách thảo bỏ khối máu tụ, khâu cầm máu và kiểm soát vùng sưng đau ở khối máu tụ.
Tổn thương vùng kín là một tổn thương khá phức tạp vì vị trí này có nhiều mạch máu, tuy nhiên sau khi xử lý, toàn bộ khối máu tụ được loại bỏ, vùng sưng to của bệnh nhi đã giảm. Hiện, bệnh nhi hồi phục tốt, đã ngưng chảy máu vùng kín, vết thương đã ổn định và dần lành lại, các bác sĩ đã cho ra viện về nhà để tiếp tục theo dõi.
Nhân trường hợp này, bác sĩ Tú khuyến cáo cha mẹ cần hướng dẫn và chú ý đến tư thế ngồi của trẻ khi đi vệ sinh vì trẻ nhỏ thường hiếu động và nghịch ngợm, các con chưa thể hình dung ra những nguy hiểm xảy ra khi đi vệ sinh. Bệnh nhi M. là một trường hợp may mắn khi được cấp cứu kịp thời để loại bỏ khối máu tụ trước khi lan ra gây tổn thương các bộ phận khác.
Kích hoạt báo động đỏ cứu thanh niên 32 tuổi có vết thương ở tim
Bệnh viện Quân y 175 cho biết đơn vị này vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ cứu sống bệnh nhân L.V.H (32 tuổi) bị vết thương ở tim, theo báo Pháp Luật TP.HCM. Trước đó, ngày 22/10, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng sốc, lơ mơ, mạch 160 lần/phút, huyết áp tụt kẹt 60/40 do bị đâm nhiều nhát bằng dao.
Người bệnh hiện đã được xuất viện. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Người bệnh được chẩn đoán bị chèn ép tim cấp, sốc mất máu do vết thương tim, đa vết thương. Ekip trực lập tức kích hoạt báo động đỏ, chuyển bệnh nhân lên phòng mổ để phối hợp giữa các khoa thực hiện mở ngực, giải phóng chèn ép tim, kiểm tra tổn thương, khâu vết thương thất trái; lấy máu đông khoang màng phổi trái và khâu vết thương phần mềm hàm mặt, tay, lưng.
Bệnh nhân được cứu sống sau 25 phút vào bệnh viện. Người bệnh được rút nội khí quản sau mổ 2 giờ, điều trị hậu phẫu tại khoa Phẫu thuật tim mạch và được bác sĩ cho xuất viện vào ngày 27/10.
Đinh Kim (T/h)