Người đàn ông “hồi sinh” sau 2 lần cấp cứu ngừng tuần hoàn
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ông H. (52 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có tiền sử khỏe mạnh. Trong lúc đang làm thợ xây, bệnh nhân xuất hiện cơn đau tức ngực, đau liên tục dữ dội kèm theo khó thở.
Người nhà đưa bệnh nhân đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Khi đang được siêu âm tim, bất ngờ bệnh nhân mất y thức, lơ mơ, đột ngột ngừng tim, ngừng thở.
Ekip y, bác sĩ ngay lập tức tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Sau hơn một giờ liên tục cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, tuần hoàn được tái lập, hồi sinh tim phổi, bước đầu đã cứu sống bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch: toan chuyển hóa nặng, theo dõi mạch vành cấp, có chỉ định lọc máu liên tục, phải hồi sức tích cực, dùng 3 loại thuốc vận mạch liều cao, an thần tuyệt đối. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân liên tục xuất hiện các cơn phù phổi.
Bệnh nhân hồi phục tốt, đã được ra viện hôm 21/2. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ, bệnh nhân tỉnh táo, dừng hết các loại thuốc vận mạch, dừng lọc máu. Tuy nhiên, vào ngày thứ 6, bệnh nhân đột ngột lên cơn rung thất, mất ý thức hoàn toàn. Người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim ngoài lồng ngực lần 2, thở máy, sốc điện phá rung, dùng 2 loại thuốc vận mạch, điều chỉnh toan kiềm…
Qua 20 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, tiếp tục thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, các bác sĩ chỉ định chụp mạch vành cấp cứu, phát hiện bệnh nhân có cơn đau thắt ngực biến thể (đau thắt ngực kiểu Prinzmetal) hiếm gặp.
10 ngày sau điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần: liều thuốc vận mạch giảm dần và ngưng, lượng nước tiểu tăng dần, chức năng gan, thận, hô hấp cải thiện theo hướng tốt dần. Ngày 21/2, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, các chỉ số sinh tồn ổn định và được ra viện.
Móc khóa kéo mắc kẹt trong đường thở bé 15 tháng tuổi
Ngày 25/2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công cho bé trai L.H.K. (15 tháng tuổi, sống tại TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) bị hóc dị vật nguy hiểm, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Trước khi nhập viện, người nhà phát hiện bệnh nhi ngậm móc khóa kéo trong miệng nhưng không lấy ra được. Bé ho, sặc sụa, sau đó khò khè. Ngay lập tức, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám.
Hình ảnh cho thấy móc khóa kéo trong đường thở của bệnh nhi. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Kết quả chụp X-quang ghi nhận có dị vật cản quang trước cột sống ngực lệch phải của bệnh nhi. Các bác sĩ chỉ định bệnh nhi nhập viện và nội soi gắp dị vật.
Cùng với ekip phẫu thuật và gây mê, bác sĩ CKI Lý Phạm Hoàng Vinh, khoa Tai mũi họng đã soi gắp thành công móc khóa trong phế quản gốc phải của bệnh nhi. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, ăn uống bình thường và không còn khò khè.
Bé gái 2 tuổi uống nhầm thuốc tẩy quần áo
VnExpress đưa tin, ngày 25/2, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã cấp cứu rửa dạ dày, truyền dịch thải độc, điều trị tích cực cho một bé gái 2 tuổi uống nhầm thuốc tẩy quần áo. May mắn, bệnh nhi được thải độc kịp thời nên qua cơn nguy kịch.
Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện 30 phút, bệnh nhi chơi đùa cạnh chai thuốc tẩy mốc quần áo. Sau đó, gia đình phát hiện chai thuốc mở nắp và miệng trẻ có mùi thuốc tẩy nên vội đưa con nhập viện.
Bác sĩ khuyến cáo, trẻ uống nhầm hóa chất thường có biểu hiện ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất. Để sơ cứu, việc đầu tiên người lớn cần quan sát loại sản phẩm trẻ uống nhầm. Thông tin này rất quan trọng để xử lý ban đầu và cung cấp cho bác sĩ.
Cha mẹ cần để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Ảnh minh họa: VietNamNet
Nếu chất uống nhầm là hóa chất không bay hơi, người lớn gây nôn bằng cách dùng miếng vải nhỏ bọc đầu ngón tay đặt nhẹ vào nửa bên trong lưỡi của bé. Sau khi nôn, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Nếu trẻ uống phải chất bay hơi như nước rửa sơn móng tay, xăng dầu..., tuyệt đối không được gây nôn, nếu không hơi của hóa chất sẽ tác động xấu tới phổi, vô cùng nguy hiểm. Người lớn cần đưa trẻ vào viện cấp cứu gấp, không nên mất thời gian sơ cứu ban đầu.
Để tránh xảy ra việc trẻ uống nhầm hóa chất, cha mẹ cần để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Những chất có độc tính cao như hóa chất diệt côn trùng, dung môi pha sơn... cần để những hộp riêng, có khóa.
Bên cạnh đó, không đựng đồ uống vào chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất, cũng không được đựng hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống gây nhầm lẫn.
Đinh Kim (T/h)